Trăn trở khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp

Thứ Ba, 10/01/2017, 09:16
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Ryanan AgriFoods so sánh, 1kg xoài Cát Chu ở Đồng Tháp bán được 17 ngàn đồng, trong lúc 1 trái xoài ở Nhật Bản bán giá 77 USD. Đồng Tháp có đến 10 ngàn hecta trồng xoài Cát Chu, mỗi năm cung cấp đến 40 ngàn tấn sản phẩm. Nếu đem bán qua Nhật, chỉ cần giá tăng 50 cent 1kg sẽ thu về đến 20 triệu USD, đưa đi bằng cách nào?

Không thể cái gì cũng trông cậy vào Nhà nước, vì Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách; cũng không thể trông đợi vào các nhà khoa học và người nông dân, mà việc này chỉ có đội ngũ doanh nhân đứng ra góp sức xây dựng chuỗi giá trị. Để thay đổi nền nông nghiệp như mong muốn, phải nghĩ khác hơn, làm khác hơn…

Thành công bước đầu là vậy, nhưng các đại diện DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không khỏi trăn trở. Ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình chia sẻ, DN của ông đang triển khai xây dựng hệ thống chăn nuôi bò ở vùng lõi. Dự tính làm 10 vùng, nhưng mới làm được 3 vùng và đã gặp vướng mắc liên quan đến tích tụ ruộng đất. Chỉ cần 1 hộ dân trong phạm vi dự án không đồng ý thỏa thuận với DN, dự án sẽ rơi vào bế tắc do không có hướng xử lý.

Lăn lộn nhiều năm trong ngành XK gạo, ông Võ Minh Khải - Tổng Giám đốc Viễn Phú Organic and Healthy Foods thấm nỗi đau của một đất nước sản xuất, xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà nông dân vẫn nghèo, vẫn phải ăn gạo không an toàn. Canh tác lẻ tẻ, mỗi ấp trồng đến cả trăm loại giống, chữ “hữu cơ” bị lạm dụng một cách tinh vi để gạt người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Nam Miền Trung tự tin, ngành nuôi tôm có lợi thế là bờ biển dài, thời tiết khí hậu thuận lợi cho con tôm phát triển và có một diện tích đất xâm ngập mặn lớn. Lợi thế nữa là hơn 7 tỷ người trên thế giới đều biết ăn tôm và tôm có thể làm ra rất nhiều sản phẩm, nhưng ngành tôm mới chỉ cho doanh thu 3-4 tỷ USD mỗi năm.

Dù vậy cho đến nay khi doanh thu đã đạt con số trên, thì hầu như chưa có chính sách nào để cho ngành tôm có cơ hội phát triển. Do đó nếu giải quyết được khó khăn với ngành này, doanh thu từ nuôi tôm của cả nước sẽ đạt đến con số 10 tỷ USD. Điều này là hoàn toàn có cơ sở nếu mở thêm nhiều diện tích để nuôi tôm và được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ với công nghệ cao.

Nông sản sạch kén khách khi giá thành còn cao.

“Lão nông nghìn tỷ” Võ Quan Huy nêu quan điểm, để kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chuối đạt 2,8 tỷ USD, Ecuador có diện tích canh tác 90 ngàn ha; họ còn có nền công nghiệp trồng chuối, có chuyên gia, công nhân lành nghề. Do đó để vươn ra tầm thế giới, sản xuất nông nghiệp phải có quy mô sử dụng đất đai lớn hơn. Ví dụ để trồng chuối cần tối thiểu 100ha, chi phí đầu tư sản xuất sẽ rẻ do đó cái DN nông nghiệp cần trước tiên là chính sách về đất đai.

Bật mí rằng đang tổ chức canh tác tại 6 tỉnh, lão nông này còn cho biết, với chính sách đất đai như hiện nay, vay được tiền phải lách luật bởi DN nông nghiệp và nông dân chỉ có thể thế chấp quyền sử dụng đất rồi vay được mức vốn khá thấp, còn tài sản trên đất là giống, cây trồng… thì không thế chấp được.

Từng tham gia đào tạo tại Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, khi nhận xét về lao động trong nông nghiệp, lão nông này cho biết kỹ sư nông nghiệp ra trường quá thiếu thực tế; 95% kỹ sư nông nghiệp ra trường đi làm thương mại. Ngay tại DN của ông, đã tuyển kỹ sư nông nghiệp để làm công nghiệp trồng chuối, 6 tháng đào tạo rồi mà còn chưa thạo việc.

Trước thành công từ mô hình của “vua chuối triệu đô” này, Chủ tịch DAA Trương Gia Bình khẳng định, nếu cả nước dành ra khoảng 4% diện tích đất đai và phát triển được chừng 400 lão nông như ông Huy, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu chuối.

Còn ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK tổng hợp Hà Nội cho rằng, vấn đề là cần phải chỉ dẫn nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trồng lúa 1 mẫu mỗi vụ chỉ lãi có 500 ngàn đồng nên nông dân bỏ ruộng ra thành phố làm công ít nhất cũng kiếm được 3 triệu đồng/tháng. Đây chính là sự bất hợp lý của ngành nông nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Nguyễn Như Cường:

Sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap phải đánh giá đúng với giá trị, mức chi trả phải tương xứng, tức sản phẩm phải được bán với giá làm sao để người sản xuất phải có lời thì nông dân, DN mới làm. Còn như hiện nay, người làm ra sản phẩm nông sản an toàn phải tự đem ra chợ bán thì rất khó khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

Muốn người nông dân sống được với nghề trồng lúa, phải đưa hạt gạo trở thành sản phẩm hàng hóa. Cho rằng nhà xã hội đã có gói hỗ trợ 30.000 tỷ, ông Tiền đề xuất gói cho nông nghiệp cần phải cao hơn vì lực lượng nông dân mình quá đông.

Không chỉ là câu chuyện DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gặp khó, người dân làm nông sản sạch cũng than khổ. Anh Nguyễn Minh Hậu, con trai ông Sáu Ri - người đã cho ra đời giống sầu riêng “cơm vàng hạt lép” nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long từng phải chia sẻ câu chuyện cười ra nước mắt, rằng để đảm bảo chất lượng sản phẩm này phải áp dụng quy trình ngặt nghèo. Sau khi ra hoa 95-100 ngày mới thu hoạch và tuyệt đối không phun thuốc trước đó 1 tháng.

Với quy trình này, giá sầu riêng phải đắt gấp 3 lần loại sầu riêng bình thường. Thế nhưng khi đưa ra phía Bắc tiêu thụ, loại sầu riêng này chỉ được thương lái trả 20 ngàn đồng/kg. Ngay ở khu vực phía Nam, nhiều siêu thị cũng không mấy mặn mà với sầu riêng của ông Sáu Ri vì giá cao, khó bán.

Trong tình cảnh này, thay vì mở rộng sản xuất và tiêu thụ, giờ đây anh Hậu xác định chỉ sản xuất vừa đủ và bán cho những đại lý hiểu và đánh giá đúng mặt hàng do anh cung cấp.

Đức Thắng
.
.
.