Cú “hích” mới đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp

Thứ Hai, 09/01/2017, 08:52
Cả nước hiện vẫn còn tới hơn 70% dân số làm nông nghiệp; được xác định là 1 trong 3 thế mạnh để phát triển kinh tế đất nước, song nông nghiệp mới chỉ đóng khoảng 20% GDP trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành Nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 4% dân số nhưng đã đóng góp tới 40% GDP.

Càng trăn trở hơn, khi cả nước đã có đến 600 ngàn doanh nghiệp (DN), thì số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn vỏn vẹn 4 ngàn. Là nước nông nghiệp, song mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nông sản, thực phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp… Vì vậy, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch đang là vấn đề cấp bách.

Với tiềm năng, lợi thế còn rất lớn, những năm gần đây đã có một loạt các tập đoàn, DN tư nhân có thực lực mạnh trên cả nước đồng loạt quay sang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản sạch hoặc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Bài bản, đình đám trong số này phải kể đến Tập đoàn Vingroup khi đã mạnh tay đầu tư 2.000 tỷ đồng để triển khai hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành. Vingroup tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nắm bắt cơ hội khi tỷ lệ nguyên liệu, sản phẩm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) còn ở mức trên 40%, thị trường TACN trong nước vẫn đang còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà sản xuất nội; đồng thời, ngành sản xuất, chế biến sản phẩm phục vụ chăn nuôi có giá trị lên đến 7 tỷ USD này đang bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài, trong đó CP Group - một tập đoàn của Thái Lan hiện nắm giữ khoảng 20% thị phần, Tập đoàn Thép Hòa Phát cũng đã quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực chăn nuôi bằng dự án xây dựng một nhà máy sản xuất TACN với năng lực cung cấp hằng năm đạt 300.000 tấn. Mục tiêu đến 2020 sẽ đạt quy mô sản suất 1 triệu tấn và phát triển đàn lợn lên một triệu con mỗi năm.

Nông sản, thực phẩm sạch thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Chia sẻ về mô hình thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, “lão nông nghìn tỷ” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình cho biết, là DN đầu tiên xuất khẩu chuối vào Nhật Bản và đang hướng đến xuất khẩu quy mô lớn, theo quy trình đạt chuẩn GAP. Để có được mô hình này, cách đây vài năm, lão nông Huy đã tìm sang Philippines để học hỏi kinh nghiệm và mời chuyên gia sang tư vấn cách làm.

Trang trại của “vua chuối triệu đô” này có quy mô sản xuất lên tới 110ha, năm 2015 tỷ phú nông dân này đã xuất khẩu trên 3.000 tấn chuối thành phẩm sang các thị trường tiêu dùng khó tính là Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến năm 2016, con số này đã tăng lên 5.000 tấn và mục tiêu trong tầm tay năm 2017 là 10.000 tấn.

Ở lĩnh vực sản xuất tôm giống, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Thuỷ sản Nam Miền Trung cho biết, điều khác biệt làm nên sự thành công của DN chính là mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, theo chuẩn công nghệ của Mỹ vào sản xuất tôm giống. Ngoài đầu tư đội tàu để lấy nước biển sạch từ ngoài khơi, DN còn trang bị phòng Lab với trang thiết bị tối tân, kiểm soát nghiêm ngặt và khống chế tất cả các loại bệnh trên tôm giống cũng như các yếu tố đầu vào để hạn chế các loại dịch bệnh trên con tôm giống nhập khẩu. Với cả ngàn bể ươm tôm giống, mỗi năm đầu mối này cung cấp cho thị trường 6 tỷ con tôm giống và tôm thịt.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Nhơn - DN đầu tư vào chăn nuôi theo hướng xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm khẳng định, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết đảm bảo các tác nhân tham gia có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm; điều tiết cung cầu thị trường, giảm giá thành sản phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm; đảm bảo sản phẩm không có dư lượng chất kháng sinh.

Theo ông Hùng, việc liên kết được 4 nhà, từ chăn nuôi, con giống, thức ăn đến chế biến sẽ mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Để phát huy thế mạnh này, Công ty Hùng Nhơn đã hợp tác với công ty TNHH De Heus để xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, tổng giá trị lên tới 50 triệu USD.

Góp phần tạo làn sóng để thu hút các DN, tập đoàn lớn trong nước quay sang đầu tư một cách bài bản vào lĩnh vực nông nghiệp còn phải nhắc tới sự thành công của một loạt DN đã tiên phong trước đó. Chẳng hạn, sau nhiều năm chiếm lĩnh thị trường trong nước, các sản phẩm sữa của Vinamilk vượt ra khỏi biên giới Quốc gia để ghi dấu ấn thương hiệu trên bản đồ ngành sữa thế giới.

Những năm gần đây, những “siêu” nhà máy hiện đại hàng đầu thế giới với robot tự hành và hệ thống nhà kho thông minh đã được Vinamilk đầu tư để nhắm tới mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD, đứng trong tốp 50 DN sữa lớn nhất thế giới vào 2017.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp thì lại là 2 lần khó. Doanh nghiệp vẫn thấy nông nghiệp là nơi đầu tư lợi nhuận thấp, rủi ro cao, nên chỉ nhắm vào đầu tư công đoạn đầu hoặc cuối của nông nghiệp như cung cấp vật tư, phân bón con giống, chế biến, phân phối nông sản…

Ở lĩnh vực thủy sản, thương hiệu Minh Phú cũng đã chinh phục vị thế hàng đầu thế giới về chế biến tôm và số 1 Việt Nam về xuất khẩu thủy sản. Con tôm Việt Nam đã được Minh Phú đưa đến các thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật… với doanh thu của doanh nghiệp đang hướng đến mốc 1 tỷ USD.

Khẳng định sẽ đầu tư vào nông nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải nhìn nhận, ngành Nông nghiệp cần những DN có vốn, có khả năng tổ chức quản trị dấn thân vào nông nghiệp để tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp. DN lớn làm đầu tàu, các DN nhỏ sẽ theo sau.

Theo ông Dương, cây lúa trồng ở miền Nam đã tốt, đạt năng suất cao nên ông chọn miền Bắc để đầu tư nhằm tạo ra mô hình chuẩn. Điểm yếu của ngành Nông nghiệp không phải xuất phát từ năng suất của cây trồng mà là do thất thoát quá nhiều sau thu hoạch và vận chuyển, bảo quản khiến chất lượng nông sản giảm sút. Vì vậy, DN của ông sẽ nghiên cứu ra mô hình làm nông nghiệp tập trung, dùng máy móc để hỗ trợ cho việc sản xuất, thu hoạch nông sản.

Doanh nhân này cũng cho biết sẽ chọn khu vực có giao thông thủy tốt, gần cảng và trung tâm kinh tế để thực hiện tổ hợp bao gồm cả sản xuất từ phân bón, thuốc trừ sâu, cung cấp giống cho bà con nông dân trồng, sau đó bao tiêu sản phẩm.

Vào tháng 9 năm ngoái, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ra mắt Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA). Đây là nơi tập hợp và liên kết các DN ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới. DAA sẽ là cầu nối để các DN công nghệ và các DN nông nghiệp bắt tay nhau cùng tìm ra các giải pháp công nghệ hiệu quả nhất thúc đẩy nâng cao năng lao động, chất lượng sản phẩm hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao…

Nói về mục tiêu của DAA, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - Chủ tịch DAA bày tỏ, số đông trong chúng ta đều có dòng máu nông dân trong người, vì thế càng trăn trở với cái nghèo khó của người nông dân, nỗi lo ngộ độc thức ăn của người dân. Khát khao một ngày nào đó người nông dân có thể sống sung túc, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc nông nghiệp luôn thôi thúc.

Đức Thắng
.
.
.