Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tôi luôn lạc quan về sự phát triển của Việt Nam

Chủ Nhật, 15/01/2017, 08:33
Luôn tỏ rõ mối thiện cảm và thái độ lạc quan về kinh tế Việt Nam, ông Ousmane Dione (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) một lần nữa khẳng định lại thái độ này trong buổi trao đổi với một số PV mới đây.

“Bạn đã từng hỏi tôi việc các tổ chức quốc tế dường như có thái độ lạc quan hơn về sự phát triển của Việt Nam so với các chuyên gia trong nước. Tôi phải nói rằng đến nay tôi vẫn lạc quan như vậy. Tuy tăng trưởng GDP gần đây có giảm hơn, nhưng trên thế giới có bao nhiêu nước có thể nói mình tăng trưởng 6%? Không nhiều. Cũng không nhiều nước đang phát triển có thành tựu xóa đói giảm nghèo, thành tựu về giáo dục tốt như Việt Nam” – ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Cần tăng trưởng, nhưng không phải bằng mọi giá

PV: Sau thời gian làm việc ở Việt Nam, ông có ấn tượng gì? Bên cạnh đó, ông cho rằng đâu là những thách thức chính của Việt Nam trong năm tới?

Ông Ousmane Dione: Việt Nam có rất nhiều thay đổi tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Đó là việc duy trì tăng trưởng ở mức cao, giải quyết việc làm, thành tựu giáo dục tốt, giảm nghèo tốt... Không có nhiều nước làm được như vậy khi ở trình độ đang phát triển. Làm thế nào để giữ được mức độ phát triển là một thử thách. Trong tương lai sẽ có một số thách thức Việt Nam phải giải quyết để tiến lên phía trước. 

Đầu tiên là vấn đề năng suất lao động. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đang thấp, mới chỉ khoảng 4 – 5%. Thứ hai là phát triển doanh nghiệp trong nước. Thứ 3 là vấn đề môi trường, phát thải nhà kính của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Cuối cùng là phải giải quyết những “túi nghèo” còn rơi rớt lại ở một số khu vực, đặc biệt ở khu vực dân tộc thiểu số. Chúng ta cần cân bằng sự phát triển và kéo người nghèo cùng tiến lên, nếu không sẽ nới rộng khoảng cách giữa người giàu với người nghèo.

PV: Liên quan đến phát triển bền vững, ông có ý kiến gì về việc có quan điểm cho rằng là một nước đang phát triển, Việt Nam không có lựa chọn nào  khác ngoài việc phát triển công nghiệp công nghệ thấp, như khai thác mỏ, thép... đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc thực hiện một số dự án có lo ngại sẽ ảnh hưởng môi trường rất lớn như thép Cà Ná, hay mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh, nơi sự cố Formosa đã xảy ra. Được biết ông vừa có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương, những vấn đề này có được đề cập không?

Ông Ousmane Dione trong buổi trao đổi với một số phóng viên trong nước.

Ông Ousmane Dione: Đúng là tôi vừa có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thực ra là tôi đến chào xã giao, nhưng chúng tôi có đề cập đến một số vấn đề phát triển, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đấy là những lĩnh vực mà Việt Nam và chúng tôi có định hướng giống nhau. Về môi trường và phát triển, 2 vấn đề này liên quan đến nhau một cách rất chặt chẽ. Một nước đang phát triển rõ ràng là cần đầu tư, cần đi qua quá trình công nghiệp hóa. 

Tôi nghĩ là quá trình này không có gì sai cả. Nhưng điều quan trọng là có những chính sách để chúng ta có quá trình công nghiệp hóa phù hợp và bảo vệ được môi trường. Phải có một khuôn khổ luật pháp phù hợp để quy định quá trình phát triển của doanh nghiệp phải đúng với định hướng phát triển của đất nước và bảo vệ môi trường. Quan trọng không kém là phải thực thi được các chính sách đó. 

Rất nhiều nước đã có chính sách tốt, nhưng điểm yếu là thực thi. Trong khi Việt Nam phát triển, không thể nào để tất cả các công nghệ đều cũ, đợi 100 năm sau mới cải tiến. Đây phải là quá trình đi lên, vẫn có công nghệ cũ, nhưng phải có chuyển đổi dần sang những công nghệ mới, phải làm cho ngành công nghiệp tiến lên phía trước. Tôi nghĩ những vấn đề liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách cần tăng cường. Rõ ràng là nước nào cũng cần tăng trưởng, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhưng tăng trưởng bằng mọi giá không phải là một lựa chọn tốt.

Không nên quay lại với đóng cửa, bảo hộ

PV: Rất nhiều nước đã được hưởng lợi bởi toàn cầu hóa, nhiều tấm gương mà Việt Nam muốn học hỏi, như Singapore, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm mà Việt Nam mở cửa rất rộng, thì một số nước châu Âu, châu Mỹ đang quay lại xu hướng bảo hộ. Theo ông, những dấu hiệu này mang lại điều gì và đây có phải là thời điểm đúng cho Việt Nam hội nhập?

Ông Ousmane Dione: Tôi nghĩ rằng toàn cầu hóa mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam. Rõ ràng việc thực hiện các FTA là có lợi và đóng góp cho quá trình phát triển, để Việt Nam có ngày hôm nay. Đây là nỗ lực rất lớn từ các nhà lãnh đạo. Việt Nam không nên quay ngược lại quá khứ.

Tại sao như vậy? Chúng ta đã thấy rất nhiều thay đổi tích cực, đóng góp vào việc làm cho Việt Nam có vị trí trên toàn cầu, tăng trưởng tốt, có thành quả về xóa đói giảm nghèo, là bài học cho rất nhiều nước khác trên thế giới. Toàn cầu hóa đóng góp cho quá tình phát triển xã hội, làm thay đổi cách sống và cải thiện cuộc sống của người Việt Nam. Liệu chúng ta có nên quay trở lại ngày xưa, đóng cửa biên giới? Có thể nhiều nước đang muốn như vậy, nhưng tôi nghĩ Việt Nam không nên. Mở cửa và có lợi từ nhau tốt hơn là đóng cửa lại và chỉ nhìn vào nội tại.

Với tuyến BRT thứ hai, không nên lặp lại sai lầm 2 lần

PV: Liên quan đến BRT – một dự án WB cho vay vốn và sự bế tắc xung quanh giải quyết vấn đề giao thông cho Hà Nội hiện nay, khi thành phố đã trao thưởng 200.000 USD cho ai tìm ra giải pháp hay, ông có quan điểm gì về việc này?

Ông Ousmane Dione: Dù Hà Nội có đưa ra cuộc thi hay không thì tôi cũng có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội, vì tôi còn ở đây ít nhất là 4 năm nữa. Tôi đã ở nhiều nơi, nhiều thành phố lớn của các nước đang phát triển, tất cả đều có một vấn đề chung, đó là tắc nghẽn giao thông. Đây là vấn đề rất khó giải quyết và tốn rất nhiều tiền của. BRT là một giải pháp. Khi tôi ở Peru, chúng tôi cũng hỗ trợ tuyến BRT của Lima – thành phố 15 triệu dân. Nhưng một mình BRT không phải là cách, phải kết hợp với các giải pháp giao thông khác nữa như Metro, hay quản lý giao thông một cách tốt hơn...

Bên cạnh đó, còn vấn đề quy hoạch đô thị. Chúng ta sẽ phải lường trước được tình thế, chứ không đợi có tắc nghẽn giao thông mới giải quyết nó. Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, làm sao để các đô thị này hấp dẫn, thu hút DN đến đầu tư, người dân đến sinh sống, làm việc, tạo thêm cơ hội cho các khu vực khác phát triển nữa. Tôi cũng rất mong có ngày nào đấy sẽ được đi BRT trên tuyến đường tôi đi làm.

PV: Ông cũng biết là BRT hiện vẫn gây tranh cãi trong dư luận Việt Nam, một trong những lý do là dự án đã chậm tiến độ quá lâu, nhiều tính toán trong giai đoạn đầu đã không còn phù hợp với giao thông Hà Nội hiện nay. Tuyến BRT thứ 2 đang chuẩn bị được triển khai, đâu là giải pháp để nó hoàn thành đúng hạn?

Ông Ousmane Dione: Có 2 điểm tôi muốn đề cập. Thứ nhất, đây là tuyến BRT đầu tiên, nên trong quá trình thực hiện ở Việt Nam, chúng tôi phải nói thật là vừa học, vừa làm để rút ra cái gì làm được, cái gì không làm được. Nhưng dự án tiếp theo thì chúng ta đã có bài học rồi. Không nên lặp lại một lỗi lần thứ hai. Vấn đề thứ 2, cũng quan trọng, là khi chúng ta có những dự án thế này, thì cần phải chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau, còn ý thức của con người, hay chương trình xã hội đi kèm với nó nữa. Ví dụ tăng cường giao thông công cộng thì có giải pháp gì cho những người đang sử dụng phương tiện cá nhân? Quá trình thực hiện dự án, chúng ta vừa làm vừa xử lý những vấn đề mới nảy sinh như vậy, phân tích, thảo luận để đưa ra được giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng. Tôi tin tưởng, dự án đầu tiên có thể có chậm trễ, nhưng dựa án tiếp theo thì chúng ta đã có được bài học.

Dù vậy, cũng phải nói rằng, đây là vấn đề hệ thống, mọi người đều có vai trò, đều cùng phải đóng góp cho sự thành công của sự phát triển xã hội nói chung. Nếu ai cũng lấn vào đường riêng của xe buýt thì buýt nhanh cũng không nhanh. Nhưng nếu chúng ta có ý thức nhường đường, hay những người đi ôtô cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng, thì rõ ràng sẽ khác. Đây không chỉ là vấn đề của người lãnh đạo mà nhận thức của người dân về các hệ thống giao thông hiện đại. Cần ủng hộ những nỗ lực của Hà Nội trong việc có những hệ thống như vậy.

Vũ Hân
.
.
.