Hiệp định UKVFTA rộng mở xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Anh

Thứ Hai, 21/12/2020, 07:43
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa ký kết kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Theo kỳ vọng của 2 nước, UKVFTA đi vào thực thi sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu (XK) cho hàng loạt mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Anh. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu (NK) mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm.


Cơ hội xuất khẩu những mặt hàng chủ lực

UKVFTA vừa được hoàn tất đàm phán, ký kết có ý nghĩa lớn đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết, thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021.

Dự kiến, Hiệp định UKVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Các doanh nghiệp (DN), chuỗi cung ứng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm NK vào Anh như quần áo, vải và giày dép… Đây vốn là các mặt hàng XK có thế mạnh của Việt Nam.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), dư địa tăng trưởng hàng hoá Việt Nam trên thị trường Vương quốc Anh còn rất lớn vì hiện nay hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch NK hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh.

Thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi lớn khi UKVFTA có hiệu lực. Ảnh: internet

Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định EVFTA sẽ không được áp dụng. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tích cực ở EVFTA. Những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ hiệp định này là thúc đẩy XK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Theo đó, sau 6 năm có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam. Anh cũng cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế 0% cho 10 mặt hàng như trứng gia cầm, ngô, gạo, tinh bột sắn, cá ngừ, đường, nấm...

Nhóm ngành hàng điển hình được hưởng lợi từ UKVFTA có thể kể đến đầu tiên là nông, thủy sản. Với Hiệp định UKVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch XK, có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.

Trong khi đó, riêng với mặt hàng gạo, Anh là thị trường XK gạo rất tiềm năng cho Việt Nam. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, đồ gỗ của Việt Nam cũng sẽ khởi sắc cùng UKVFTA.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Xác định Anh là thị trường rất tiềm năng với thủy sản XK và là cơ hội để giúp ngành bứt phá hơn sau COVID-19, Hiệp hội sẽ rà soát và gửi thông tin về những cơ hội, thuận lợi của Hiệp định UKVFTA cho các DN trong ngành nắm bắt, từ đó giúp DN có kế hoạch tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của Hiệp hội, Bộ Công Thương nên sớm có những hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ, cũng như có thông tin cụ thể về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Anh cho DN. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần hỗ trợ DN trong việc quảng bá thương hiệu để sản phẩm được người tiêu dùng tại Anh được biết đến rộng rãi hơn.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ để tránh rủi ro

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với các cam kết mở cửa thị trường, cộng thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, hiệp định này giúp DN có thêm cơ hội XK vào Anh. Theo tính toán, giá trị thuế NK mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bởi, kim ngạch XK chung vào Anh giảm nhưng nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử, đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế... của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ UKVFTA, XK hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) lưu ý, Hiệp định UKFVTA đặt ra những thách thức nhất định cho Việt Nam trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. Cụ thể, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là với những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

Ngoài ra, thách thức nổi cộm nhất là hiệp định này bao gồm các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số DN chưa tuân thủ nghiêm.

“Điều này có thể dẫn tới rủi ro là cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số DN. Do đó, trong quá trình thực thi, DN cần hết sức lưu ý các cam kết này”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.