Thời cơ tốt để thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển
Việt Nam đã sớm nhận thấy các cơ hội và đã có sự chuẩn bị để đón dòng đầu tư quan trọng này. Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu đại dịch COVID-19 cuối tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng đầu tư mới khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng Đề án thu hút FDI hậu COVID-19.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. |
GS. Nguyễn Mại cho biết, thực tế Apple đã tuyên bố chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và sản xuất 30% tai nghe không dây ở Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới. Trên thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng của Samsung.
Các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã có, mới nhất là EVFTA, cộng với sự ổn định về chính trị, sự khống chế dịch COVID-19 thành công là những lợi thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư FDI khi lựa chọn điểm đến.
Để sẵn sàng đón dòng vốn dịch chuyển, về hạ tầng, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện cả nước có 336 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn hécta. Trong đó, có 260 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 76,10%.
Quỹ đất để hút FDI đang rất thuận lợi để các địa phương có thể tiến hành bàn giao đất sạch cho các DN FDI. Bên cạnh đó, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp.
Về nguồn nhân lực cho thu hút FDI, GS Nguyễn Mại cho rằng, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam là chúng ta thiếu nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế là Tập đoàn Samsung đang sử dụng nhiều lao động Việt Nam chất lượng cao, và lãnh đạo tập đoàn này đánh giá rằng, năng suất lao động của Việt Nam đã xấp xỉ người Hàn Quốc, trong khi đó lương của lao động Việt Nam chỉ bằng 40-50% lương của lao động Hàn Quốc. Hiện 1.650 kỹ sư phần mềm Việt Nam đang làm việc ở Samsung được đánh giá rất cao.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, khu vực DN FDI đang tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI đã giúp hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật hiện đại. TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã tương đối đầy đủ. Ngay lúc này, cần sớm vạch ra các kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách thu hút FDI.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc, để có thể đón đầu. Đây là cơ hội mở ra cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã tiếp cận các hiệp hội, các nhà đầu tư lớn để trao đổi về các gói hỗ trợ, giải pháp trong khuôn khổ pháp luật để tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành để đưa ra các sửa đổi trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.