Chống “chuyển giá” trong các doanh nghiệp FDI bằng cách nào?

Thứ Tư, 10/06/2020, 07:51
Ngày 9-6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”. Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các viện, trường đại học tham dự.

Phát biểu khai mạc đề dẫn hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ rõ nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế của khu vực FDI. Hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da. Để thu hút vốn FDI, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tuy nhiên việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số DN FDI chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng thẳng thắn đề cập đến vấn đề các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi càng dựa nhiều vào FDI thì càng phụ thuộc vào kinh tế của các nước phát triển. Hơn nữa, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, máy móc công nghệ nhanh chóng trở nên lạc hậu dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tìm cách chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư. Hậu quả của việc này là giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao…

Qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm của DN FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, chuyển giá, từ đó đã có các kiến nghị để cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách. Cùng với đó, KTNN đã chỉ rõ những hạn chế và bất cập trong chính sách, thực thi chính sách thu hút FDI thời gian qua.

Tuy nhiên, các kiểm toán viên của KTNN mới thực hiện kiểm toán một số “mắt xích” rất nhỏ liên quan đến chính sách thu hút FDI như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng… Bởi cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã chỉ ra những dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài như: Lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của doanh nghiệp FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn... Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI.

Nói về giải pháp để hoàn thiện công tác kiểm toán trong hoạt động chống chuyển giá, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KTNN, cần tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý của KTNN khi thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp thông qua việc trình và sửa đổi Luật KTNN cho phù hợp; Chính phủ củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phạm Huyền
.
.
.