Thị trường thực phẩm chức năng: Nhộn nhạo, "một tấc đến trời"!

Thứ Sáu, 05/05/2017, 19:35
Thực phẩm chức năng (TPCN) đang bị thả nổi với nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi các văn bản qui phạm phát luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 


Đó là lý do để Hiệp hội TPCN tổ chức buổi toạ đàm “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý TPCN tại Việt Nam” tại Hà Nội chiều 5-5 với sự tham gia của Cục ATTP, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) và một số hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Theo PGS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, thị trường TPCN phát triển nhanh khi năm 2.000 mới có khoảng 60 sản phẩm của 15 cơ sở nhập khẩu thì nay đã có tới 3.600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, với 57% sản phẩm sản xuất trong nước và hơn 90% nhà thuốc đang bán TPCN.

Người Việt ta lại có kinh nghiệm và bí quyết sử dụng nhiều bài thuốc từ cây, con hàng nghìn năm là thế mạnh của Việt Nam mà nếu chính sách, cơ chế quản lý đủ chặt chẽ thì Việt Nam có thể là cường quốc về TPCN.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng do các quy định, chế tài cũng như công tác quản lý còn nhiều hạn chế nên việc sản xuất, phân phối TPCN còn tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh TPCN đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, tác dụng không đúng với quảng cáo khiến người tiêu dùng thiếu niềm tin, thậm chí, tẩy chay sản phẩm. Thông tin mù mờ khiến đa phần người dân không biết rõ tác dụng của TPCN.

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực TPCN đóng góp ý kiến về quản lý TPCN

Ông Nguyễn Hưng Củng - Tổng Thư ký Hiệp hội TPCN cho hay, Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ Công Thương đều có văn bản về luật quản lý TPCN nhưng có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lách luật. 

Nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến TPCN bị biến tướng về giá trị thật sự với sức khỏe cũng như giá trị thực tế của sản phẩm. Do đó, cần phải tìm ra kẽ hở, ngăn chặn, góp phần quản lý tốt hơn, không để TPCN đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước.

GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, trên thế giới, TPCN có tên chuyên biệt rõ ràng như TPCN cho sức khoẻ, TPCN y tế, TPCN chuyên biệt, TPCN thuốc… Còn ở Việt Nam, TPCN đang có sự giao thoa giữa khái niệm thức ăn và thuốc. Người có bệnh thì rất cần, nhưng không phải người nào cũng cần TPCN. Hơn nữa, thế giới quan tâm đến TPCN nhưng họ có lực lượng nghiên cứu kỹ về TPCN và coi trọng việc đầu tư lớn và sâu, trong khi Việt Nam lại chưa có được điều này.

Một số đại biểu cho rằng hành lang pháp lý về quản lý TPCN hiện tại mới có Thông tư 43 của Bộ Y tế là chưa đủ và còn nhiều bất cập, khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế, như Luật Đầu tư quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh cấp phép đều do Chính phủ ban hành, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý TPCN chưa chặt chẽ.

Do vậy, GS. Trịnh Quân Huấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng cần phải xây dựng Nghị định vì có những vấn đề vượt thẩm quyền thì Bộ Y tế không giải quyết được. 

Nghị định xây dựng trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và phải đảm bảo không phân biệt đối xử. Nghị định cần phải đưa ra chế tài xử phạt nặng cho các hành vi sai trái, như quy định trong Luật quản lý TPCN của Hàn Quốc cho phép phạt tới 2 tỉ đồng hoặc 7 năm tù giam nếu vi phạm Luật.

Thông tin mù mờ khiến người tiêu dùng chưa hiểu đúng tác dụng thực của TPCN

Đồng tình với ý kiến trên, GS. Nguyễn Lân Dũng quan tâm tới quy định thêm về điều kiện giá cả TPCN, tránh tình trạng giá trên trời khiến nhiều người dân, nhất là dân nghèo vùng nông thôn không tiếp cận được TPCN. Nghị định cũng nên để các doanh nghiệp tự thực hiện chức năng kiểm tra, quản lý. Nhà nước chỉ kiểm tra, quản lý ở tầm vĩ mô.

Giải thích về ý kiến cho rằng Bộ Y tế còn thiếu các văn bản về quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề quản lý thị trường TPCN phải hài hòa trong khu vực và quốc tế. 

Thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều văn bản với chủ trương hài hòa giữa việc đảm bảo an toàn, sức khỏe con người và đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng phát triển. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quản lý TPCN để trình Chính phủ. Tuy nhiên, mới đang lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng khung.

TS. Nguyễn Hùng Long cũng cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ có thêm nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, các doanh nghiệp để xây dựng khung Nghị định sát thực tiễn. Khi xây dựng Nghị định trình Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phải tổ chức nhiều buổi hội thảo về các vấn đề cụ thể với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan cùng các cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang nếu chúng ta thực hiện nghiêm quy định về an toàn sản xuất, nhập khẩu TPCN, quảng cáo, công bố chất lượng… thì thị trường TPCN sẽ được kiểm soát và phát triển tiềm năng.

Về phương thức phân phối TPCN còn có những ý kiến chưa thống nhất. Theo PGS. Trần Đáng, Bộ Y tế cần phải đưa ra cơ sở khoa học của việc cấm bán hàng đa cấp có trái thực tế hay không, có đi ngược xu thế thế giới hay không.

Nhưng, đứng về phía người tiêu dùng, TS. Nguyễn Huy Quang đã phản bác: “Chính sự bán hàng đa cấp biến tướng hiện nay làm người tiêu dùng cảm thấy TPCN quý và đắt hơn cả thuốc, làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về TPCN”, nhiều khi lầm tưởng TPCN còn có giá trị chữa bệnh hơn thuốc. Hơn nữa, việc cấm bán hàng đa cấp là Bộ Công Thương quy định chứ không phải Bộ Y tế".

Thanh Hằng
.
.
.