Vi phạm trong quảng cáo lĩnh vực y tế:

Khi thực phẩm chức năng được 'nổ' thành... thần dược

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:20
Đông trùng hạ thảo được giới thiệu như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, vì thế, dù có giá 1,3 triệu đồng/sản phẩm nhưng nhiều người vẫn “bóp hầu bao”. Nhưng các chuyên gia cho biết, Đông trùng hạ thảo chỉ có tác dụng hỗ trợ.


Việc truyền thông, giới thiệu các sản phẩm của ngành y tế đến người dân là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều quảng cáo trong lĩnh vực y tế đã gây bức xúc với dư luận khi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại tiền bạc, sức khỏe và nguy hại cả cho tính mạng, đồng thời làm suy giảm lòng tin với xã hội.

Theo ông Võ Quốc Trường, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ TT&TT), hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, cung cấp những sản phẩm, thiết bị y tế không tuân thủ những qui định của luật pháp, của bộ chuyên ngành, dẫn đến quảng cáo không đúng, hoặc đăng quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Một điển hình về quảng cáo sai sự thật gần đây nhất là chiến dịch quảng cáo rầm rộ “máy lọc nước của Kangaroo có khả năng ngăn ngừa mỡ máu”. Đặc biệt, Tập đoàn Kangaroo còn đưa ra cả bản thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo do Bệnh viện Tim Hà Nội xác nhận. Bởi thế, đã có rất nhiều khách hàng coi đây là cứu cánh để đẩy lùi bệnh mỡ máu. Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng và các chuyên gia vào cuộc, sự thật đã được bóc trần: Không có cơ sở khoa học nào trong quảng cáo sản phẩm của Tập đoàn Kangaroo cả.

Một sai phạm phổ biến trong quảng cáo y tế là liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN). Việc quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa khá phổ biến, đặc biệt là doanh nghiệp thường lợi dụng một số thành phần trong sản phẩm để quảng cáo quá lên về công dụng của sản phẩm. 

Ví như TPCN Đông trùng hạ thảo được giới thiệu như một loại “thần dược” chữa bách bệnh: Nào cung cấp dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật và đặc biệt là có tác dụng chữa các rối loạn tình dục, thận hư, đau lưng, hạ huyết áp… Vì thế, dù có giá 1,3 triệu đồng/sản phẩm nhưng nhiều người vẫn “bóp hầu bao” để cố gắng mua bằng được. Tuy nhiên, khi báo chí điều tra thì các chuyên gia cho biết, Đông trùng hạ thảo không có tác dụng chữa các bệnh trên, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ.

Đông trùng hạ thảo từng được quảng cáo như “thần dược”.

Việc quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh là vi phạm qui định của Bộ Y tế. Thế nhưng, dù dư luận đã lên tiếng về việc quảng cáo gây ngộ nhận về tác dụng thực của Đông trùng hạ thảo thì sản phẩm này vẫn tiếp tục được quảng cáo như một “thần dược”.

Sản phẩm áo ngực Wonderfull của Công ty cổ phần mua sắm Hạnh phúc được quảng cáo có tác dụng làm vòng một của phụ nữ nảy nở chỉ sau 15 giây, mà mặc loại áo này sau một thời gian ngực vẫn săn chắc, to và không biến dạng. Với tính năng “đặc biệt” như thế nên chiếc áo “nhỏ” này được bán với giá 920.000 đồng/chiếc. Rõ ràng, chỉ cần suy nghĩ một chút có thể thấy ngay sự vô lý trong chính những lời quảng cáo này.

Việc quảng cáo TPCN An cung ngưu hoàng hoàn là một ví dụ nổi bật về kiểu “lập lờ đánh lận con đen” giữa TPCN với thuốc chữa bệnh. An cung ngưu hoàng hoàn thực chất là thuốc, nhưng lại được cơ quan chức năng cho nhập khẩu, đăng ký dưới dạng TPCN. Việc định danh không đúng này rất nguy hiểm khi trong thành phần của nó chứa kim loại nặng như thủy ngân, asen nên không được phép dùng tùy tiện. 

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế, việc cho phép nhập là dựa vào thông tin từ nước sản xuất An cung ngưu hoàng hoàn là Hàn Quốc, Triều Tiên. Ở đó, họ gọi An cung ngưu hoàng hoàn là TPCN nên khi vào Việt Nam, nó cũng được định danh là TPCN. Thế nhưng, một đơn vị khác cũng của Bộ Y tế là Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) lại cho rằng, việc sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn dưới dạng TPCN là nguy hiểm vì có hàm lượng kim loại độc quá cao, cũng như chứa các dược liệu có độc tính được sử dụng làm thuốc như hùng hoàng, thần sa, chu sa và dạ hương…

Mặc dù có 3 sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn phải bị tiêu hủy, nhưng vẫn còn 3 sản phẩm TPCN có cùng tên đã được công bố chất lượng tại Cục ATTP, trong khi tại Cục Quản lý Dược cũng có 4 sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn đã được cấp số đăng ký lưu hành là thuốc. Việc này “đẻ ra những bất cập khi cùng một sản phẩm nhưng lại có thể bị quản lý theo 2 cách hoàn toàn khác nhau: Nếu là thuốc thì phải chịu sự quản lý về chất lượng và việc sử dụng phải theo đơn của bác sĩ, còn nếu là TPCN thì người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Quan trọng là người dùng sẽ rất dễ lẫn lộn giữa các loại này.

 Đã có hàng loạt sản phẩm bị phát hiện vì quảng cáo không đúng, hay nhập nhèm giữa thuốc và TPCN, bị cơ quan quản lý đình chỉ lưu hành, thậm chí rút giấy phép. Thế nhưng, tình trạng này chưa có dấu hiệu chấm dứt. Kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN mới đây cho thấy, có gần 2.000/4.500 cơ sở vi phạm qui định về an toàn thực phẩm. 17/97 mẫu kiểm nghiệm không đạt chất lượng, nhiều chỉ tiêu thậm chí còn trái ngược với quảng cáo.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh TPCN để đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dùng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các quyết định xử lý phải được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt được thông tin. Việc Bộ TT&TT xử phạt một loạt cơ quan báo chí do quảng cáo TPCN An Thụy Khang, Yuc TD, Ích Giáp Vương, Kim Thần Khang, Hoàng Thấp Linh không đúng quy định, hay quảng cáo thuốc cắt cơn cai nghiện Bông Sen trước khi được xác nhận nội dung đã là những việc làm cần thiết để chấn chỉnh việc vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên báo chí.

Thanh Hằng
.
.
.