Thể chế và con người là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển

Thứ Tư, 20/01/2016, 09:46
Nhận định về sự phát triển của Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, năm 2015 là năm hết sức đặc biệt với nhiều dấu mốc ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang năm 2016 còn nhiều bất ổn thường trực đối với nền kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp.

Trên thực tế, năm 2015 là năm đánh dấu tiến trình hội nhập hết sức tích cực, sâu rộng và đi vào thực chất của Việt Nam với việc hoàn thiện ký kết và kết thúc đàm phán một loạt các Hiệp định thương mại song phương và khu vực rất quan trọng. 

Đây cũng là tiền đề mở ra một giai đoạn mới từ đầu 2016 khi Việt Nam bắt đầu bước vào hội nhập ở mức cao hơn, đó là tham gia thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), bắt đầu triển khai thực hiện FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA với liên minh Á Âu và chuẩn bị tiếp theo là FTA với EU và TPP. 

Đây là bước ngoặt rất lớn trong hội nhập của Việt Nam. Do vậy, trong bối cảnh chuẩn bị khởi đầu một giai đoạn mới, đã đến lúc cần dựa vào những động lực mới để tạo bước đột phá cho tăng trưởng, đó là năng suất lao động và ý tưởng sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, gần đây nhiều báo cáo nói Việt Nam trì trệ xa các nước, tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế, Việt Nam có bước đi rất lớn, song, đó là chúng ta so với chính mình, còn so với những quốc gia có cùng điều kiện với Việt Nam trước đây mới thấy trong nhiều lĩnh vực, ta tụt hậu so với họ. Năng suất lao động Việt Nam thua họ nhiều lần...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2016, Việt Nam có thuận lợi từ đà tăng trưởng cao của năm 2015, song vẫn không thể coi thường ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện, còn nhiều rủi ro rất lớn rình rập gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, đó là nợ công và nợ xấu... 

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2016 và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo cần có giải pháp quan trọng đó là nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, không phải theo chiều rộng như vừa qua là tăng vốn, dựa lao động thấp, khai thác tài nguyên mà phải quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất lao động quốc gia, lấy tăng năng suất lao động làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong 2016 và những năm tiếp theo. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, thể chế và con người là hai yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của đất nước. Con người ở đây phải được sử dụng, chọn lựa từ những người lãnh đạo cấp cao nhất, chọn được những người tài năng nhất quản lý đất nước, trách nhiệm nhất với đất nước và trong tất cả. Những người tâm huyết, tài năng nhất cần phải được trọng dụng, đấy là nguồn sáng tạo vô cùng to lớn, có thể đưa một đất nước từ không có tài nguyên gì trở thành một nước phát triển mạnh mẽ như các quốc gia lân cận. 

Bên cạnh đó là cần một thể chế tốt. Không phải là tài nguyên khoáng sản. Cũng không phải là vốn mà là thể chế và con người mới là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển như các nước. Trong tương lai hy vọng Việt Nam sẽ tận dụng tốt hai lợi thế này. 

Bên cạnh đó, để làm được điều này có rất nhiều việc phải làm đó là dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, phá bỏ rào cản thúc đẩy sáng tạo phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích, nâng đỡ các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp…

Lưu Hiệp
.
.
.