Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 11%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%

Thứ Bảy, 26/12/2020, 07:25
Đây là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng năm 2021. Theo đó, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.


2,3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Theo NHNN, tính đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Về điều hành tín dụng, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh, mặc dù tín dụng trong quý I và quý II tăng trưởng chậm, nhưng đã phục hồi trong 2 quý cuối năm. Tuy nhiên, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Tính đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so với cùng kỳ 2019.

Lãi suất huy động năm 2020 đã xuống mức thấp kỷ lục.

Dự kiến cả năm 2020, tín dụng có thể tăng 10,5 – 11%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp, theo đó tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên...

Cụ thể, tín dụng cho xuất khẩu tăng 10,4%, tín dụng cho nông nghiệp tăng 9,8%, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%. Trong khi đó, tín dụng với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát và giảm dần, như tín dụng trong lĩnh vực BOT, giao thông giảm 0,59%, tín dụng cho chứng khoán chỉ tăng nhẹ 0,2%.

Không chỉ ảnh hưởng về cầu tín dụng, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tín dụng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 26% tổng dư nợ hệ thống. Ngoài ra, có khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ngân hàng.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Trong năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Về nợ xấu, NHNN cho biết đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Lãi suất huy động giảm kỷ lục

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2020, NHNN đã có tới 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho nhiều lãi suất trên thị trường xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, trong năm nay, lãi suất tái cấp vốn đã giảm thêm 2%/năm, lãi suất OMO giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm.

Theo đánh giá, NHNN Việt Nam là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Sau những bước điều chỉnh mạnh của lãi suất điều hành, lãi suất huy động trên thị trường cũng liên tiếp đi xuống, thậm chí thấp nhất trong nhiều năm qua. Khác với những năm trước, dù bước vào mùa vụ cuối năm, lãi suất tiền gửi trên thị trường cuối năm nay vẫn duy trì ở mức thấp, không có dấu hiệu tăng.

Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm khoảng 1-1,5%/năm, hiện phổ biến còn 3,1-4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến 3,5-6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,5-7%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, một số nhà băng còn giảm cả trên dư nợ cũ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Số liệu công bố của NHNN cho biết, đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, còn 4,5%/năm.

Về lĩnh vực thanh toán, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng.

Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu ngân sách nhà nước của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%...

Không in tiền lẻ, siết chặt việc đổi tiền

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, NHNN vẫn siết chặt câu chuyện đổi tiền lẻ, đặc biệt không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Ông Tú cho biết trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, năm nay NHNN vẫn quyết liệt không in tiền mới có mệnh giá nhỏ, đồng thời siết chặt hơn việc đổi tiền lẻ. Theo quan điểm của ông, việc người dân đi lễ đền chùa, những sự kiện có yếu tố tâm linh thì không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc.

Hà An
.
.
.