Ngân hàng chủ động đón mùa tín dụng cuối năm

Thứ Ba, 15/12/2020, 12:40
Năm 2020, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên nhu cầu vốn khó tăng, sức hấp thụ vốn chậm. Tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%).

Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa có đầu ra nên những công ty lớn chưa mặn mà, cũng như không có nhu cầu vay vốn triển khai dự án mới. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng cẩn trọng khi rót vốn vay. Đồng thời, tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm và tâm lý e ngại dịch bệnh còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng, nhất là đối với các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ... cũng khiến giảm sức tiêu thụ, mua sắm nên nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ đời sống cũng khó tăng trưởng.

Tuy nhiên, các tháng cuối năm cho thấy mặt tích cực về khả năng hấp thụ vốn. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng 9 tháng đạt 5,12%. Như vậy chỉ trong chưa đầy 2 tháng tiếp theo tăng trưởng tín dụng ngân hàng đã đạt 2,14%. Trong bối cảnh chung đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh bắt đầu cũng tăng trưởng khởi sắc.

Là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng nằm trong top 5 NHTM có tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống, đến cuối tháng 11/2020, dư nợ HDBank đạt hơn 169 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20.4% so với cuối 2019. Để có được tăng trưởng tín dụng tích cực trong 3 quý vừa qua, đồng thời đón nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020, HDBank  đã chuẩn bị nguồn vốn lớn (tăng trưởng huy động vốn của HDBank trong 11 tháng 2020 lên đến 31,3%) để tung các chương trình cho vay. Hiện nay, lãi suất thấp nhất cho vay cá nhân tại HDBank dành cho khách hàng tham gia chương trình “Thuê nhà không lo- Vững tâm kinh doanh—Vay ngay, ngại gì Covid”, với lãi suất cố định 3 tháng đầu 3%.

Đồng thời, HDBank xây dựng chi tiết tăng trưởng các ngành trọng điểm phù hợp khẩu vị, chiến lược của ngân hàng. Thời điểm hiện nay khi ngành du lịch, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng… bị ảnh hưởng nặng bởi Covid thì nhiều ngành vẫn có cơ hội tăng trưởng như hàng tiêu dùng, bán lẻ… do đó, chiến lược của HDBank là đẩy mạnh cho vay ở các ngành này, cũng như các lĩnh vực đang là thế mạnh của ngân hàng như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ: Năng lượng xanh (solar farm, điện áp mái); Sản xuất hàng hóa thiết yếu, nông sản phục vụ Tết nguyên đán; Sản xuất hàng hóa, công nghiệp phụ trợ; Thương mại, dịch vụ, xây dựng, chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa.

Mang trải nghiệm mới cho khách hàng dùng thẻ

Trong chiến lược phát triển của mình, HDBank luôn nỗ lực cùng với toàn ngành ngân hàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hướng đến những người tiêu dùng thông minh, HDBank đã và đang hướng đến thúc đẩy cung cấp các loại thẻ phù hợp, đáp ứng trúng nhu cầu và tăng tính trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, tạo mọi điều kiện tối ưu để khách hàng có thể được sử dụng các loại thẻ đáp ứng các tiêu chí thanh toán an toàn, dễ dàng, nhanh, rẻ… HDBank cũng cho biết rất đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng là đề nghị các Tổ chức thẻ xem xét giảm tối đa các khoảng phí phải trả cho các Tổ chức thẻ để tạo điều kiện cho các ngân hàng thành viên trong hoạt động thẻ. Do hiện tại các ngân hàng thành viên phải trả cho các Tổ chức thẻ rất nhiều loại phí (phí hệ thống, phí dịch vụ, phí giao dịch…) cho cả hai mảng phát hành thẻ (Issuing) và chấp nhận thanh toán thẻ (Acquiring). Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải liên tục đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phát triển, nâng cấp hạ tầng, hệ thống, thiết bị đầu cuối để tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính an toàn cho khách hàng. “Việc xem xét giảm các khoản phí phải trả cho các Tổ chức thẻ sẽ giảm rất nhiều áp lực cho các Ngân hàng thành viên trong việc phát triển hoạt động thẻ cũng như góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt nói chung. Đồng thời phần nào thúc đẩy người dân tăng cường mua sắm để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng góp phần thúc đẩy CẦU trong nền kinh tế”, đại diện HDBank bày tỏ quan điểm.

Cùng với hoạt động kinh doanh, từ đầu năm 2020 đến nay, HDBank đã thực hiện hiệu quả Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại và vượt qua đại dịch: HDBank triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, như dành 24.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và khách hàng cá nhân; miễn, giảm hầu hết các loại phí giao dịch để chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, HDBank triển khai các chương trình quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.

Bên cạnh các sản phẩm tín dụng, ngân hàng còn triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại giúp khách hàng có thêm nhiều tiện ích trên mobile banking, internet banking, cũng như triển khai số hoá các qui trình nội bộ và giao dịch để hướng tới 1 ngân hàng số, không giấy tờ. HDBank là ngân hàng đi tiên phong trong dịch vụ mở tài khoản doanh nghiệp hoàn toàn trực tuyến thông qua chữ ký số và cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sàn Giao dịch Điện tử Tài trợ Thương mại TradeAssets, để kết nối và xử lý các giao dịch tài trợ thương mại trên nền tảng ứng dụng blockchain. Ngân hàng triển khai dịch vụ truy vấn thanh toán toàn cầu qua Swift GPI, giúp khách hàng cập nhật nhanh chóng, chính xác thông tin về tình trạng xử lý giao dịch chuyển tiền quốc tế…

PV
.
.
.