Tăng thuế bảo vệ môi trường có đẩy giá xăng tăng cao?

Thứ Năm, 31/03/2016, 19:45
Đây là băn khoăn được đặt ra tại phiên họp báo thường kỳ quý I/2016 của Bộ Tài chính, diễn ra chiều 31-3.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.

Hàng năm, Bộ Tài chính vẫn tiến hành thanh tra các DN xăng dầu.

Trước thông tin này, nhiều câu hỏi đã được gửi tới Bộ Tài chính như đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được dựa trên cơ sở nào, nguyên nhân có phải do ngân sách đang gặp khó khăn và có phải do thu qua xăng dầu dễ dàng? Cùng với đó, thuế phí trong xăng dầu hiện nay là rất lớn, việc tăng thuế bảo vệ sẽ tác động tới giá như thế nào?

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi tại phiên họp báo thường kỳ quý I năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Có nhiều câu hỏi liên quan tới thuế bảo vệ môi trường, tuy nhiên câu trả lời rất ngắn. Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi trường, hiện bộ chưa có kế hoạch trình Chính phủ điều chỉnh. Do đó, những câu hỏi về việc điều chỉnh tăng thế nào và tăng ra sao Bộ Tài chính khẳng định chưa có chủ trương trình. Báo cáo tài chính trung hạn nêu giải pháp kế hoạch trong đó có các giải pháp về thuế sẽ có tổng kết đánh giá về các luật, nghị quyết về các sắc thuế từ đó đề xuất chính sách thu theo hướng có động viên, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”, bà Mai nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới thuế đối với mặt hàng xăng dầu, dư luận quan tâm tới khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng do “lỗ hổng” từ việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu khác nhau.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khó có thể thu hồi đủ toàn bộ số tiền chênh lệch 3.500 tỷ đồng từ áp sai thuế xăng dầu, và Bộ Tài chính nhận trách nhiệm về vụ việc này. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, tổng thu thuế nhập khẩu xăng dầu của 23 doanh nghiệp xăng dầu tính đến 24-3 là 3.475 tỷ đồng, bao gồm cả năm 2015 và đầu năm 2016. Số tiền chênh lệch do “lỗ hổng” này nằm ở 23 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Vì vậy, số tiền thực tế mà các doanh nghiệp hưởng lợi thấp hơn nhiều.

Cụ thể, doanh nghiệp phải nộp một phần thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra trong 23 doanh nghiệp có 11 đơn vị thuộc Nhà nước, nên về cơ bản ngân sách không bị thiệt. Con số đề nghị truy thu về quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ còn 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân đầu mối. Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc truy thu đang được Bộ Tài chính nghiên cứu song cũng thừa nhận “rất khó thu hồi”.

Trả lời câu hỏi về phương án xử lý đối với các khoản phải thu hồi nói trên, thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát để thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cụ thể kết quả ra sao phải chờ kết luận thành lập và kết luận thanh tra.

Việc thanh tra kiểm tra là việc làm thường xuyên trong năm vì đây là mặt hàng năng lượng hết sức quan trọng, là đầu vào của sản xuất kinh doanh tác động tới tiêu dùng của người dân. Cho nên để minh bạch và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm Bộ Tài chính vẫn có chỉ đạo thanh tra. Đồng thời, do có việc chênh lệch thuế nên việc xem xét kiểm tra càng cần thiết. Nội dung sẽ tiến hành việc chấp hành pháp luật tài chính và thuế, trên cơ sở đó có xử lý cho phù hợp”, bà Mai thông tin.

Việc để xảy ra lỗ hổng về thuế nêu trên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, biến động phát sinh trong thực tiễn luôn đi trước và chính sách phải làm sao cho kịp để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn.

Rõ ràng quy trình xây dựng chính sách phải đảm bảo quy định pháp luật nên có thể có những việc có thể dự báo có thế phát hiện nhưng có những việc đã phát hiện nhưng phải có thời gian để điều chỉnh. Còn việc có xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra lỗ hổng về thuế nhập khẩu xăng dầu hay không cần phải theo quy định liên quan tới xử lý cán bộ và Bộ Tài chính đang thanh tra, kiểm tra và rà soát.

Nhóm PV
.
.
.