Việt Nam không cho phép nhà đầu tư nước ngoài phân phối xăng dầu và điện

Chủ Nhật, 27/03/2016, 06:56
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam bảo lưu các chính sách hiện hành trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện (hiện hoàn toàn do EVN thực hiện) và bảo lưu toàn quyền áp dụng mọi biện pháp phân biệt đối xử nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện nguyên tử.


Việt Nam cũng không cam kết thêm việc mở cửa với dịch vụ ngân hàng và không cho phép nhà đầu tư nước ngoài phân phối xăng dầu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không được phép đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình... Đây là một trong những nội dung của báo cáo về TPP vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Về thăm dò và khai thác dầu khí, Việt Nam cam kết trên cơ sở chính sách hiện hành, tức là cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư với điều kiện có thể kiểm soát chặt ở một số khâu như: phải thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khu vực (lô) nhà đầu tư nước ngoài được làm phải do Nhà nước phê duyệt, kiểm soát việc chuyển nhượng lại hợp đồng…

Về khai thác khoáng sản, đối với các dự án có giá trị lớn hoặc có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, chỉ cấp phép cho nước ngoài tham gia khi có đóng góp thực sự cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các dự án có giá trị nhỏ hoặc không quan trọng, đồng ý nguyên tắc không phân biệt đối xử, nhưng duy trì quyền cấp phép (hay không cấp phép) dựa trên các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các tiêu chí nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản quý hiếm…

Việt Nam không cam kết mở đối với phân phối và truyền tải điện.

Đối với dịch vụ viễn thông, cho phép các nước TPP thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 49% đối với các dịch vụ cơ bản có gắn với hạ tầng mạng. Với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, Việt Nam đồng ý mức góp vốn không quá 65% sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực. Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng, sau 5 năm, Việt Nam sẽ mở cửa cho các nước TPP đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng cung cấp qua biên giới (như gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua các ứng dụng Viber, Skype và các loại hình dịch vụ viễn thông trên nền Internet khác), ta bảo lưu quyền được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải đăng ký, xin cấp phép hoặc phải có thỏa thuận thương mại với các nhà mạng. 

Với việc bán dung lượng cáp quang biển, cáp quang phải đấu nối qua trạm cập bờ và thiết bị do ta quản lý; các nhà đầu tư cáp quang TPP chỉ được phép bán dung lượng cáp quang cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ truy nhập internet (ISP) đã được cấp phép tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Việt Nam không cam kết thêm về dịch vụ ngân hàng so với cam kết đã có khi gia nhập WTO. Về dịch vụ phân phối, việc hạn chế “mở thêm điểm bán lẻ” sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực được dỡ bỏ, nhưng Việt Nam tiếp tục bảo lưu không cho phép nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu, dược phẩm và sản phẩm ghi hình.

Về thông tin và thông tin trên mạng, Việt Nam bảo lưu toàn bộ các biện pháp quản lý, trong đó có việc không cho phép nước ngoài đầu tư vào báo chí, thông tấn, xuất bản, phát thanh và truyền hình. 

Đồng thời, khi cung cấp các dịch vụ này qua biên giới, các công ty của các nước TPP sẽ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về cấp phép cũng như các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam. Các lĩnh vực mà ta đang có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như y tế, cơ sở thể dục thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí cho nhân dân, dịch vụ môi trường, các dịch vụ phục vụ kinh doanh...

Việt Nam đồng ý cho phép các nước TPP đầu tư với mức độ cao hơn cam kết WTO, trong đó nhiều lĩnh vực cho phép các nước TPP thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Về mua sắm Chính phủ, các nước thống nhất một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu, nhưng không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh - quốc phòng. Về cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước tham gia TPP; không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ nội địa (Việt Nam bảo lưu lộ trình chuyển đổi 25 năm đối với quy tắc này); minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu; có quy định để bảo đảm liêm chính trong quá trình đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu.

Cụ thể, Việt Nam cho phép các nước TPP được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế theo hướng: Không mở trong 3 năm đầu, sau đó mở rộng dần dần với một tỷ lệ nhất định để dành riêng cho ngành dược trong nước và bảo đảm quyền chủ động cho các bệnh viện trong việc mua sắm thuốc theo cơ chế hiện hành; sau lộ trình 15 năm, sẽ giảm dần tỉ lệ bảo lưu này xuống còn khoảng 50% tổng giá trị đấu thầu hàng năm.

Vũ Hân
.
.
.