Tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng

Thứ Ba, 23/02/2021, 06:00
Dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp đã tác động tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân tại một số địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh sản xuất để kịp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.


Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, thích ứng trong tình hình mới, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành triển khai, qua đó nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh và kích cầu trong nước, tạo động lực mới cho DN phát triển, hồi phục thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phục hồi

Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ như: Gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69.300 tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180.000 tỷ đồng); gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng (0,6% GDP)…

Khôi phục sản xuất, kinh doanh và kích cầu trong nước, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục giữ vững ổn định thị trường.

Đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong nước, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của ngành trước các cú sốc từ bên ngoài để ổn định sản xuất, củng cố thị trường trong và ngoài nước để thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển ngành Công Thương trong trạng thái bình thường mới.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay, 100% thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công mức độ 4; gần 60% thủ tục hành chính được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn.

Nhờ đó, ngành Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ tối đa cho DN, đặc biệt là trong các đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ các hộ sản xuất thuê mặt bằng trong các cụm công nghiệp; xây dựng kế hoạch tiến độ, giải pháp cụ thể để khởi công 43 cụm công nghiệp trên địa bàn…

Bên cạnh đó, tập trung khuyến khích phát triển các DN công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy thương mại phát triển, nhất là thương mại điện tử, đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; thiết lập, củng cố, phát triển, phân bổ hợp lý các kênh phân phối, mạng lưới các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại.

TS. Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, với những giải pháp đồng bộ cùng với các FTA được ký kết và đi vào thực thi đã giúp DN xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được cơ hội, mở rộng thị trường, theo đó đơn hàng cũng đã khả quan hơn. Đối với ngành dệt may, nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết tháng 4. Một số ngành hàng đã bước đầu khôi phục sản xuất, DN chuyển hướng kinh doanh để phát triển trong trạng thời bình thường mới.

Cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thời gian qua, Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch. Đó là thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc hạn chế dịch, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế. Đồng thời, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài. Từ đó, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Bên cạnh những giải pháp mà các bộ, ngành đề xuất để hỗ trợ DN, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, trước tiên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tăng trưởng để tăng sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế vẫn tiếp tục là sự lựa chọn, là định hướng và việc phải làm hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, đó là những định hướng rất trúng và đúng về mô hình tăng trưởng của ta trong thời gian tới để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Để đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh các giải pháp thì trong thu chi ngân sách cần mở thêm tài khóa, chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Phải mở thêm chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu đầu tư công, mở thêm bội chi ngân sách nhưng phải chi hiệu quả các chính sách đầu tư công vào những dự án trọng điểm như hạ tầng, sân bay Long Thành, đường cao tốc, chống ngập, chống mặn, hồ chứa nước; tăng cường giải ngân hơn nữa, đồng thời có chương trình hạ miễn thuế, giảm thuế cho chuyển đổi số và những mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, trong năm 2021, cần phải tích cực, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh để DN được làm những gì mà DN muốn và pháp luật không cấm chứ không phải chỉ làm gì mà pháp luật cho phép.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với những điểm sáng nhưng cuối tháng 1, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Theo đó, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Do đó, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Do vậy, để nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước mắt, một trong những giải pháp quan trọng là cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu; cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi…

Lưu Hiệp
.
.
.