Tăng trưởng kinh tế 2021: Lạc quan trong thận trọng

Thứ Năm, 18/02/2021, 07:54
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là điểm sáng trong khu vực, tăng 2,91% - mức tăng trưởng dương hiếm hoi, đứng vào nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bước sang năm 2021, nhiều nhận định lạc quan cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta lạc quan nhưng vẫn phải thật thận trọng với những rủi ro tiếp tục vây bủa.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất được cập nhật, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021, khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. 

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh  nghiệp.

Ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình bệnh dịch. Thứ nhất là kịch bản cơ sở khi bệnh dịch không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu. 

Đặc biệt, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của COVID–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 – 5,8%.

Ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của virus COVID-19 trong năm 2021 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine vào đời sống đã diễn ra, nhưng hiệu quả tới người dân chưa đạt quy mô lớn. 

Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi. Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch. Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

“Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 – 5,8% trong cả năm 2021. Lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định hệ thống ý tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh trong nước. Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả sẽ ra sao”, VEPR thận trọng.

Cũng đưa ra nhận định thận trọng, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, yếu tố bất định gia tăng khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 xuất hiện bắt nguồn từ TP Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 27/1 sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong 2 tháng tới và ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất. 

Theo đó, thứ nhất, sự phục hồi của ngành du lịch có thể bị chững lại do làn sóng COVID-19 mới. Báo cáo từ các công ty du lịch và hàng không cho thấy nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn, hoặc tạm hoãn kế hoạch của họ vì sợ bị lây bệnh khi đi du lịch. 

Thứ hai, việc phong tỏa TP Chí Linh và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí. 

“Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất ít bị ảnh hưởng do làn sóng COVID-19 thứ 3 và tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu trong những tháng tới nhờ có vắc xin, đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy cả tiềm năng tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2021, và sẽ cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế. 

Nhìn chung, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và áp lực lạm phát giảm; những bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong lẫn bên ngoài”, VNDIRECT nhận định và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,1%.

Hà An
.
.
.