Hà Nội bùng phát chất cấm trong thực phẩm

Thứ Năm, 15/10/2015, 08:37
Theo Nafiqad, trong số 60 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện, có 14 mẫu vượt quá giới hạn tồn dư cho phép, và tất cả đều ở thị trường Hà Nội. 


Đã từ lâu, vấn nạn thực phẩm “bẩn” vẫn là mối lo thường trực của người tiêu dùng. Kết quả giám sát ATTP trên rau quả và thịt trong tháng 8 và tháng 9/2015 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) – Bộ NN&PTNT cho thấy, qua phân tích đa dư lượng đã phát hiện 60/136 mẫu rau tại 2 thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 30 hoạt chất thuốc. Đặc biệt, Nafiqad cho rằng vi phạm ở phía Nam có phần lắng xuống thì ở phía Bắc lại có dấu hiệu bùng lên

Theo Nafiqad, trong số 60 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện, có 14 mẫu vượt quá giới hạn tồn dư cho phép, và tất cả đều ở thị trường Hà Nội. Đối với thịt lợn, trong số 52 mẫu xét nghiệm ở 2 thành phố này, đã phát hiện 6 mẫu có chất cấm Salbutamol, 3 mẫu có chứa chất cấm Sulfadimidine (một chất kích thích sinh trưởng) vượt mức tồn dư cho phép, và cũng lại đều ở Hà Nội.

Kết quả này cho thấy sau một thời gian ra quân gắt gao, tình hình sử dụng chất cấm tại các tỉnh phía Nam đã có dấu hiệu giảm thì tại các tỉnh phía Bắc lại có dấu hiệu bùng lên, nhất là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau. 

Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, cơ quan này đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 cuộc thanh tra đột xuất, chủ yếu tập trung vào vật tư nông nghiệp, nhất là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y… Qua đó, đã xử phạt xấp xỉ 1.200 trường hợp, số tiền phạt gần 22 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đợt thanh tra đột xuất các cơ sở thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y gần đây, đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm. 

Về chất Vàng Ô (VAT YELLOW, một chất tạo màu công nghiệp) có khả năng gây ung thư trong chăn nuôi thì tại cuộc họp ngày 12/10 với Bộ NN & PTNT, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49, Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đã tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg Vàng Ô, tịch thu 20kg chất bột trắng không rõ nguồn gốc của một đơn vị.

Qua điều tra, C49 cho thấy, Vàng Ô được nhập khẩu và sử dụng tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, chất này mới được phát hiện nên chưa có trong danh mục cấm, vì vậy cũng không có cơ chế để xử lý. 

Đại diện C49 đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng để có các biện pháp xử lý mang tính răn đe đối với những người cố tình vi phạm. Ngoài ra, đối với chất cấm gây ung thư khác là Salbutamol, C49 cũng đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Y tế để thống nhất cơ chế quản lý, tránh tình trạng bị tuồn từ bên Y tế sang sử dụng trong chăn nuôi, bởi theo số liệu do Bộ Y tế cung cấp cho C49, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 68 tấn Salbutamol trong thời gian gần đây.

Về chế tài xử lý vi phạm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng khung pháp lý cho việc xử lý vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã rất mạnh tay, nếu xử lý kịch khung thì những người sử dụng chỉ còn nước phá sản. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng các địa phương không quyết liệt vào cuộc nên kết quả vẫn dậm chân tại chỗ. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các địa phương phát động đợt cao điểm về quản lý ATTP trên phạm vi toàn quốc, kéo dài từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016.  Trong đó kiên quyết ngăn chặn dứt điểm việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là 2 chất Salbutamol và Vàng Ô; siết chặt việc quản lý nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trọng tâm là thịt, rau, hoa quả và thủy sản…


Yến Hân

.
.
.