Nhiều kỳ vọng từ điện gió
- Khởi công dự án điện gió Khai Long - Cà Mau
- Khởi công dự án Nhà máy Điện gió đầu tiên ở Ninh Thuận
- Khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Hàn quốc – Trà Vinh giai đoạn I
Những ngày qua, người dân ven biển tỉnh Sóc Trăng thật sự phấn khởi khi hay tin ngay cạnh nơi bà con đang sinh sống sẽ được triển khai dự án điện gió công suất turbin lên đến 800MW, được đánh giá quy mô nhất Đông Nam Á. Dự án này trị giá khoảng 2 tỷ USD này vừa được Tập đoàn Phú Cường cùng Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Mainstream (Ai-len), ký kết trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn Phú Cường cùng đại diện các nhà đầu tư khảo sát khu vực sẽ triển khai dự án điện gió trị giá gần 2 tỷ USD. |
Trao đổi với PV Báo CAND ngay sau lễ ký kết vào ngày 7-11 vừa qua, ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường thông tin thêm, giai đoạn 1 của dự án sẽ có công suất 150-200MW, hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018. Trước lễ ký kết, dự án đã nhận tài trợ của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho công tác thực hiện “Nghiên cứu báo cáo khả thi”.
Theo đánh giá của USTDA, đây là dự án bảo vệ môi trường tiêu biểu của ngành điện, phù hợp với chủ trương đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dự án còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam, là thành công của chính sách khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI, tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh lợi thế về điều kiện gió tốt hơn, việc xây dựng trang trại điện gió tại khu vực bãi bồi sẽ tận dụng được diện tích mặt biển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Công Thương, khu vực tiềm năng phát triển dự án điện gió của tỉnh này có tổng diện tích 37.340 ha với tổng công suất dự kiến 1.470 MW, gồm khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung; khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề và khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu.
Thực tế trước khi dự án điện gió kể trên được ký kết thỏa thuận hợp tác, cũng tại ĐBSCL, hàng loạt dự án điện gió đã và đang được được tích cực triển khai. Tiên phong nhất là Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng. Sau 48 tháng tập trung triển khai thi công, cách nay gần một năm, nhà máy đã hoàn thành, đưa vào vận hành cả 62 trụ turbin gió với tổng công suất 99,2MW, đấu nối và phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp sản lượng điện sạch 320 triệu KWh/năm.
Phấn khởi trước thực tế nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động với công suất thu lại vượt gần 20% so với dự kiến ban đầu, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý, chủ đầu tư nhà máy cho biết, được sự đồng thuận của cấp thẩm quyền, doanh nghiệp ông đang dồn sức để biến vùng ven biển Bạc Liêu (giáp với Sóc Trăng) thành “cánh đồng điện gió” lớn nhất ĐBSCL bằng việc đang xúc tiến lập báo cáo tiền khả thi triển khai giai đoạn tiếp theo cho 71 trụ turbin gió loại 2MW với tổng công suất 142MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng.
“Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vào cuối tháng 9-2016 vừa qua, chúng tôi cũng đã khởi công Dự án Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau (giai đoạn 1). Đây là dự án trọng điểm của chúng tôi trong năm 2016. Dự án này đã được Bộ TN & MT giao 2.185 ha gồm mặt biển, thềm lục địa tại bãi biển Khai Long. Theo thiết kế, giai đoạn 1 của Dự án có 50 turbin, tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng”, ông Dân cho biết thêm.
Sau khởi động của Bạc Liêu, tiếp theo là Cà Mau, Sóc Trăng, tỉnh duyên hải liền kề là Trà Vinh và Bến Tre cũng đang kỳ vọng từ nguồn năng lượng “trời cho” bởi các dự án diện gió tương tự. Giữa năm 2016, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn gói thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Bến Tre 60MW.
Một tháng trước đó, Dự án điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh 2 có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương hơn 247,6 triệu USD) được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án được xây dựng tại bãi bồi ven biển xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, có công suất thiết kế 96MW, gồm 48 tuabin gió; sản lượng tương đương Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh cho biết, quy mô, công suất thiết kế và vốn đầu tư của dự án vừa kể cao gấp đôi so với dự án Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh 1 được khởi công vào tháng 2-2016 tại 2 xã Trường Long Hòa và Dân Thành của huyện Duyên Hải. Nhà máy này dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối 2017.
Cũng cần kể thêm, Trà Vinh là địa phương có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển điện gió với tổng công suất khai thác dự kiến có thể đạt đến trên 1.600 MW. Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của địa phương này với mục tiêu công suất lắp đặt đạt khoảng 270 MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh. Đến nay, tỉnh cũng đã quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Andy Kinsella, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Mainstream (Ai-len), nhận xét: “Về nhu cầu năng lượng, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi, Tập đoàn Mainstream có sự chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp năng lượng tái tạo với chất lượng cao và chi phí thấp, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam gia tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2020 và xa hơn nữa. Việc đầu tư vào Việt Nam rất phù hợp với mục tiêu của chúng tôi trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu lớn về nguồn điện”.