Nhiều hệ lụy liên quan đến Công ty vàng Bồng Miêu
- Giám sát chặt hoạt động khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu
- Giải bài toán “vàng tặc” ở mỏ vàng Bồng Miêu
- Cần hoàn thổ và đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu
Từ đầu tháng 3-1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư ra Quyết định số 140/QĐ cấp phép cho Công ty vàng Bồng Miêu tổ chức thăm dò và khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) theo quy mô lớn, thời hạn là 25 năm, trên diện tích 365ha.
Đến tháng 6-2006, Công ty vàng Bồng Miêu đi vào hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động đến năm 2013, hằng năm công ty này đều thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và chấp hành tốt các quy định chung, tích cực tham gia phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2013, Công ty vàng Bồng Miêu báo cáo làm ăn thua lỗ, tạm ngưng hoạt động do sản xuất kém hiệu quả.
Theo ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, hiện tại, Công ty vàng Bồng Miêu đang làm thủ tục công bố phá sản, điều này cho thấy rõ, nguy cơ khoảng 107 tỷ đồng tổng tiền thuế và tiền chậm nộp mà công ty này còn nợ sẽ không thể thu hồi được…
Công ty vàng Bồng Miêu vẫn còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế và để lại nhiều hệ lụy. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh khẳng định, từ khi Công ty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động đã dẫn đến nhiều vấn đề nổi cộm, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, TTATXH ở địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
“Qua kiểm tra thực tế tại địa bàn Công ty vàng Bồng Miêu quản lý, diện tích công ty được cấp 365ha, chúng tôi nhận thấy công ty không đủ năng lực quản lý, không bảo vệ được phần diện tích đã được cấp, để hàng trăm đối tượng vào khai thác làm vàng trái phép gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có việc dùng hóa chất để khai thác vàng và thải ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Tam Lãnh và ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nữa. Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội như ma túy, tội phạm trộm cướp, tranh giành địa bàn, cháy nổ… cũng làm cho tình hình ANTT ngày càng phức tạp”, ông Vinh khẳng định.
Cũng theo ông Vinh, một bộ phận người dân trong xã và các địa phương khác đến mỏ vàng Bồng Miêu, vào hầm lò lén lút khai thác trái phép đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khiến địa phương rất khó khăn trong công tác quản lý.
Thống kê của UBND xã Tam Lãnh cho thấy, từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 13 vụ sập hầm lò làm vàng ở Bồng Miêu, khiến 23 người chết, 5 người bị thương và nhiều vụ đánh nhau do tranh giành địa bàn, nhiều vụ cướp vàng cũng đã xảy ra làm ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn xã.
Một vấn đề khác cũng liên quan đến Công ty vàng Bồng Miêu là công ty không hoàn thổ môi trường theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Cụ thể, 230ha khai thác lộ thiên của công ty chưa phục hồi môi trường, trong đó có diện tích chưa hoàn thổ nên người dân đã vào đào xới khai thác vàng, chiếm dụng đất trồng cây lâm nghiệp dẫn đến đất đai bị hủy hoại và gây khó khăn cho việc quản lý tại địa phương.
Thêm nữa, từ năm 2013 đến nay, khi Công ty vàng Bồng Miêu tạm dừng hoạt động, hơn 300 công nhân tại địa phương bị thất nghiệp, một số công nhân hầm lò do thiếu việc làm dẫn đến khai thác vàng trái phép, phá rừng.
Nghiêm trọng hơn, 50 công nhân của Công ty vàng Bồng Miêu đã có đơn gửi các cơ quan chức năng cầu cứu vì công ty chưa giải quyết chế độ và trả sổ bảo hiểm xã hội cho họ với tổng giá trị ước tính gần 4 tỷ đồng.