Nhiều dự án ở ĐBSCL chậm tiến độ do thiếu cát
Dự án khu dân cư (KDC) thương mại 2 và 3 (phường 5, TP Vị Thanh, Hậu Giang), do Công ty CP Đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn đầu tư với tổng diện tích 27,6ha, trong đó có 25ha đã được bơm cát san lấp mặt bằng, hiện nay nhà đầu tư đang xây dựng các hạng mục đường, phân các lô...
Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc BQL dự án KDC thương mại phường 5, mặc dù phần lớn diện tích đất của dự án đã được bơm cát, nhưng chưa đủ cao độ, nên tiếp tục bơm cát. Tuy nhiên, nguồn cát đang thiếu hụt, nên không có cát để san lấp, điều này khiến cho chủ đầu tư dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chi phí đầu tư đội lên, khó hoàn thành được tiến độ dự án như đã cam kết.
“Hiện, dự án cần trên 100.000m3 để san lấp nâng cao độ cốt nền và phần diện tích còn lại 2,7ha. Mặc dù trước đó chúng tôi đã hợp đồng với đơn vị cung cấp cát, nhưng trước tình hình này họ trả lời không có cát để cung cấp nữa”, ông Trung cho hay.
Về giải pháp giải quyết khó khăn, theo ông Trung, công ty đang chờ đơn vị cung cấp tiếp tục bơm cát phục vụ nâng cao độ cốt nền diện tích 25ha; diện tích còn lại tạm thời chưa bơm cát vì giá cát cao sẽ đội chi phí đầu tư…
Tại Bến Tre hiện có trên 50 công trình xây dựng hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh bị chậm trễ vì… thiếu cát. Chính quyền các địa phương có công văn gửi các Sở, ngành nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giá cát cho phù hợp; đồng thời đề nghị cắt giảm bớt các hạng mục không cần thiết để giảm chi phí mua cát. Ngoài các công trình hạ tầng giao thông phục vụ nông thôn mới, các trường học, trụ sở, cơ quan trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng đang trong tình trạng thiếu cát…
Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, sau vụ sạt lở nghiêm trọng vào ngày 22-4 tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tỉnh An Giang đã siết chặt việc khai thác cát, dẫn đến nguồn cát khan hiếm. Vừa qua, dự án nạo vét thông luồng ở Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), bị người dân phản ứng quyết liệt. UBND tỉnh đã thông báo, tuyên truyền và vận động người dân để hiểu rõ vụ việc, nhưng bà con vẫn không đồng tình.
Trên 100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) đang rất khó khăn vì khu tái định cư không có cát bơm nền. |
“Hiện, việc tìm nguồn cát khác đang rất khó khăn, vì tỉnh không thể cấp phép mới khai thác cát. Kể cả khi có dự án cũng phải đánh giá tác động môi trường, các thủ tục khác nên mất rất nhiều thời gian, trong khi khu tái định cư xã Mỹ Hội Đông hiện rất cấp bách”, ông Thi cho biết.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Nguyễn Tiến Hải vừa có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc giá cát xây dựng tăng đột biến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là giá cát xây dựng tăng đột biến (tăng gần 3 lần so với tháng 3-2017). Hiện nay theo báo cáo của một số chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, do giá cát xây dựng tăng cùng với tình trạng cung không đủ cầu, nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua cát để triển khai thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, dự án.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan liên quan khảo sát thị trường, nguồn cung cấp cát xây dựng, xác định nguyên nhân tăng giá và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền có liên quan cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, có biện pháp giải quyết vấn đề này theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giải pháp thiết kế công trình, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ đề tìm nguồn vật liệu xây dựng thay thế cát xây dựng, đảm bảo phù hợp, hiệu quả đầu tư…
Kết quả khảo sát cho thấy, giá cát tại Cà Mau tăng mạnh so với thời điểm đầu tháng 5-2017. Cụ thể, giá cát ngày 2-6 tại các cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn huyện Trần Văn Thời dao động từ 400-450.000 đồng/m3, huyện U Minh là 370.000 đồng/m3 (tăng khoảng 2 lần so với tháng 5-2017)…
Ông Đồng Thống Nhất, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT Sóc Trăng), cho biết hiện do thiếu hụt nguồn cát, giá thành tăng, để đảm bảo tiến độ công trình bắt buộc các chủ đầu tư phải sử dụng nguồn cát lẫn tạp chất để san lấp mặt bằng. Với nhu cầu đó, các tổ chức, cá nhân được cấp mỏ có thể sẽ quay lại khai thác.
“Chúng tôi yêu cầu chủ mỏ thực hiện đúng theo quy định, như: thả phao tại khu vực mỏ được cấp phép; khai thác cát đúng vị trí; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương… tăng cường giám sát quá trình khai thác cát của chủ mỏ. Kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp khai thác cát trái phép”, ông Nhất cho biết.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Long, thời gian tới nhu cầu sử dụng cát san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, đặc biệt là các công trình trọng điểm trong và ngoài tỉnh, nên dễ xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.
Vì vậy, Sở TN&MT Vĩnh Long sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản, chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy hoạch được phê duyệt; kiểm tra chặt chẽ việc thu, nộp các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động khoáng sản; giám sát việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản…