Người Cơ Tu vùng biên trồng cây “xóa đói, giảm nghèo”
Cây đẳng sâm mọc tự nhiên ở đất rừng biên giới Việt - Lào, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Theo tài liệu nghiên cứu của GS.TS Đỗ Tất Lợi, đẳng sâm là loài dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh như nhân sâm.
Do đó, huyện Tây Giang đã xây dựng đề án vùng chuyên canh đẳng sâm hơn 3.000ha, tạo điều kiện cho người dân địa phương trao đổi, buôn bán loài cây này để phát triển đời sống gia đình, xóa đói giảm nghèo…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bhriu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, nói rằng, đẳng sâm mọc hoang dã rất nhiều ở các xã Chơm, Ga Ry... Trước đây, đồng bào Cơ Tu đi rừng nhổ đẳng sâm mang về nấu canh ăn, hoặc ngâm rượu uống.
Từ năm 2000, đẳng sâm được các thương lái săn lùng nên bà con rủ nhau lên rừng nhổ về bán khiến cho loài cây dược liệu quý hiếm này có nguy cơ cạn kiệt.
Tuy nhiên, đã có một già làng nghĩ đến việc bảo tồn, phát triển cây đẳng sâm nên đưa nó về trồng ở nương rẫy nhà mình. Đó là già làng Bling Ríu, ở thôn Zơ Zượt, xã Chơm. “Trong chiến tranh, Bling Ríu đi bộ đội, rồi làm đến Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Chơm.
Lúc đầu, thấy Bling Ríu lên rừng tìm kiếm, đào cây đẳng sâm đem về trồng trên nương rẫy của ông, nhiều người bảo ông khùng. Nhưng sau gần 3 năm, Bling Ríu trồng được hơn 3ha cây đẳng sâm và năm thứ 4, ông nhổ bán thì mỗi héc ta thu về cả trăm triệu đồng, bà con Cơ Tu mới “bừng tỉnh”.
Thế là, người người, nhà nhà rủ nhau lên rừng tìm đẳng sâm về trồng. 12 thôn của 2 xã Chơm và Ga Ry nhà nào cũng có vườn đẳng sâm, trong đó nhiều gia đình trồng từ 5-6ha”, ông Bhriu Liếc kể.
Cũng theo ông Bhriu Liếc, khi bà con Cơ tu trồng đẳng sâm nhiều thì bị thương lái thu mua ép giá. Để hỗ trợ bà con buôn bán cây đẳng sâm, đầu năm 2017, UBND huyện Tây Giang cho thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Chơm.
Theo ông Bling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, đến nay sản phẩm từ cây đẳng sâm được phát triển đa dạng, như cao đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm, mứt đẳng sâm…
Trong năm 2019, có 3 sản phẩm từ đẳng sâm tham gia dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao; năm 2020 tiếp tục có 2 sản phẩm củ đẳng sâm đạt từ 3-4 sao. Bên cạnh đó, đẳng sâm còn cho thu nhập từ việc bán lá và giống từ củ, hạt.
Huyện Tây Giang đã có đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu đẳng sâm lên hơn 3.000ha theo đề án phát triển cây dược liệu nên rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương.
Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng địa phương phát triển vùng dược liệu quý, tạo đầu ra cho sản phẩm đẳng sâm ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.