Ngành chăn nuôi phải đổi mới mạnh mẽ trước khi hội nhập

Thứ Tư, 14/10/2015, 08:30
Hội nhập, khi mà những sản phẩm nông nghiệp giá rẻ tràn vào Việt Nam. Người tiêu dùng có lợi trước mắt nhưng ngành Nông nghiệp với khoảng 70 triệu nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đổi mới hay phá sản là thách thức đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam.


Khi mà nước ta đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất khi TPP thành hiện thực. Nhưng chỉ riêng đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam, việc một số mặt hàng nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là các sản phẩm: Thịt lợn, thịt gà hay như sữa, đậu tương, ngô…

Đáng chú ý, thịt gà Mỹ giá rẻ tràn vào Việt Nam đã khiến người chăn nuôi và các nhà sản xuất Việt Nam “đau đầu”, thậm chí một số doanh nghiệp còn chuẩn bị kiện “chống bán phá giá”. Tuy nhiên, viễn cảnh của việc khởi kiện chưa nói đến, hy vọng thắng kiện còn quá xa vời.

Theo các nhà kinh doanh gà Mỹ, cáo buộc phía Việt Nam bán phá giá là thiếu căn cứ. Họ chỉ ra Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang so sánh loại thịt gà đắt nhất trong siêu thị Mỹ (là loại được bù giá, nuôi chăn thả, không dùng kháng sinh và đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận) với giá đùi gà đông lạnh xuất khẩu theo lô. 

Trong một văn bản gần đây, ông Jim Sumner, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Trứng và gia cầm Hoa Kỳ (USAPEEC) cho hay, một số sản phẩm thịt gà Mỹ được bán tại Việt Nam ở mức giá tương đương hoặc cao hơn so với giá ở Mỹ, do đó theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới các sản phẩm thịt gà này không bị coi là “bán phá giá”. 

Theo ông Sumner, hai phần ba lượng đùi gà góc tư của Mỹ được tiêu thụ ngay trong nước, số còn lại được xuất khẩu tới hơn 125 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với mức giá thấp hơn so với giá của lườn gà (ức gà) và cánh gà, nhưng vẫn bán với giá bán tương đương tại Mỹ. Và đến bây giờ, hẳn các chủ trang trại, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Việt Nam đã cảm nhận được cái “hầm hập” của việc tham gia vào thị trường quốc tế. Nói cách khác, ngành chăn nuôi Việt Nam phải chấp nhận đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ khắp năm châu.

Trong một buổi tọa đàm gần đây, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia về chiến lược nông nghiệp, cho rằng viễn cảnh “thịt ngoại lấn át thịt nội” hoàn toàn có thể xảy ra. “Mức thuế càng xuống thấp, nông sản nước ngoài tràn vào Việt Nam càng nhiều. Nhìn chung, Việt Nam không có thế mạnh trong chăn nuôi nếu so sánh với các quốc gia khác. Các nước có lợi thế về trồng ngô, đậu tương, chính vì vậy giá thức ăn cho chăn nuôi rất thấp. Trong khi đó, đa số thức ăn trong chăn nuôi tại Việt Nam cần nguyên liệu nhập khẩu để chế biến, điều này dẫn tới việc giá thành tăng cao”.

Cũng theo TS Đặng Kim Sơn, khi mức thuế xuống tới 0%, chắc chắn tỷ trọng thịt ngoại tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên. Như vậy, trong nhiều hân hoan khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành Nông nghiệp đang đối đầu với những thách thức rất cơ bản. Chỉ bằng cách xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thế giới, hàng nông sản Việt Nam mới “có cơ” tham gia vào thị trường thế giới.

Muốn vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đóng vai trò chủ động hơn trong việc quản lý, điều tiết sản xuất. Sự hợp tác giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) cần phải được triển khai chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn nhằm tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, độc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của những thị trường khó tính. 

Có như vậy, TPP mới thực sự là “cơ hội” cho nhà nông, những người đang một nắng hai sương tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống xã hội và kiếm thêm giá trị thặng dư cho đất nước.

Diệp Linh
.
.
.