Ngành Chăn nuôi lao đao vì gà thải, gà dai của nước ngoài

Thứ Năm, 15/11/2012, 07:28
Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, gà thải loại và gà dai còn tác động lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của gia cầm lậu nên đối với chăn nuôi trong nước, hiện nay đang gặp khó khăn về giá, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi loại gà lông trắng (gà công nghiệp).

Không chỉ gà thải loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào nước ta, gà dai Hàn Quốc, một loại gà nước bạn dùng để chế biến thức ăn gia súc, chó, mèo cũng lặng lẽ được nhập về bán tại các siêu thị cho người tiêu dùng làm thực phẩm. Sau một thời gian bị lên án, phong trào nhập loại gà thải này đã tạm lắng nhưng đến thời điểm này, số lượng gà dai Hàn Quốc lại tăng mạnh và được bày bán chủ yếu ở phía Nam. Điều đáng nói là chất lượng của loại gà này rất kém, hàm lượng dinh dưỡng cực thấp.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, các cơ quan chức năng vừa phát hiện 100 mẫu thịt gia cầm thải loại nhập lậu về Hà Nội đều có tồn dư chất kháng sinh sulfadiazin, một trong những chất cấm, độc hại khi đi vào cơ thể người sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Thực trạng gia cầm lậu nhập từ Trung Quốc tràn vào khắp nội địa, và việc chưa kiểm soát được chất lượng cả về dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm của gia cầm thải loại ở nhiều địa phương đang là vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết triệt để, gà dai chất lượng kém của Hàn Quốc lại tiếp tục làm “đau đầu” cơ quan quản lý. Điều đáng nói là gà dai Hàn Quốc không phải là gà nhập lậu mà được các doanh nghiệp nhập khẩu về qua đường chính ngạch.

Gà nhập lậu bị lực lượng chức năng thu giữ.

Theo ông Sơn, loại gà thải loại được nhập lậu từ Trung Quốc là gà già, siêu đẻ, siêu trứng, sau khi đã quá thời hạn sinh sản thì các trang trại của Trung Quốc đem bán để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng các “đầu nậu” ở nước ta đã nhập lậu về để bán làm thực phẩm. Và gà dai Hàn Quốc cũng thuộc loại gà thải loại, hàm lượng dinh dưỡng thấp và tại Hàn Quốc, loại gà này chỉ được dùng để chế biến thức ăn gia súc. Nhưng khi về Việt Nam, gà dai Hà Quốc lại được bày bán ở siêu thị (chủ yếu trong Nam), kể cả dạng đã qua chế biến như quay, rán. Với mác gà ngoại, giá lại rẻ, chỉ từ 50.000 – 60.000đ/kg nên nhiều người tiêu dùng không có thông tin về loại gà này đã mua về làm thực phẩm ăn hàng ngày.

Ông Sơn cho biết, trong năm 2011, Việt Nam đã cho nhập thịt gà thải loại Hàn Quốc với tổng sản lượng là 5.761 tấn. Nhưng chỉ trong 8 tháng đầu năm 2012, chúng ta đã nhập tới 5.396 tấn. Mặc dù lượng gà thải loại Hàn Quốc không phải là lớn nhưng năm nay tỷ trọng đã tăng vọt từ 5,4% (năm 2011) lên 11,6%. Điều đó chứng tỏ tỷ trọng gà thải loại của Hàn Quốc nhập vào nội địa so với sản phẩm thịt ngoại nói chung là khá lớn.

Nhận xét về chất lượng của loại gà này, PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, đã là gà già, gà thải loại thì chất lượng dinh dưỡng không còn tốt, thậm chí còn biến chất. Ông Đáng cho rằng, khi nhập bất cứ loại thực phẩm nào thì việc kiểm dịch phải vô cùng chặt chẽ, nếu không có thể gây ra nhiều loại bệnh dịch như cúm H1N1, tả E.coli… Ngoài ra, cần phải kiểm dịch chặt chẽ về dư lượng hóa chất tồn dư trong các loại thực phẩm này. Kháng sinh có thể được cho vào quá trình chăn nuôi để phòng bệnh, kích thích tăng trọng, tiêm vào gà trước khi giết thịt với mục đích kéo dài thời gian tươi ngon của thịt…

Không chỉ các siêu thị, ngay cả các trang mua bán trực tuyến cũng bán gà dai Hàn Quốc.

“Các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người”, ông Đáng khẳng định.

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, gà thải loại và gà dai còn tác động lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của gia cầm lậu nên đối với chăn nuôi trong nước, hiện nay đang gặp khó khăn về giá, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi loại gà lông trắng (gà công nghiệp). Gà trắng chủ yếu lại nuôi quy mô trang trại thuộc các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài, còn nông dân chủ yếu nuôi gà màu. Vì thế, các công ty lớn chuyên nuôi gà lông trắng như CP, Japfa, Emivest… đều lỗ rất lớn. Vì vậy thời điểm này, các doanh nghiệp bắt đầu giảm lượng sản xuất.

Trước tình trạng gà thải loại của Hàn Quốc và Trung Quốc ồ ạt tràn sang nước ta, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đề nghị phải thiết lập ngay hàng rào bảo vệ, cần sớm đề ra giới hạn tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu, bởi trong thời gian sắp tới có thể còn nhiều nguồn gia cầm thải loại khác tràn vào nước ta. Ông Tần cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng ngay quy chuẩn kỹ thuật về nhập khẩu gà và các sản phẩm từ gà. Đồng thời, Cục Chăn nuôi phải rà soát ngay và có báo cáo cụ thể về tình hình nhập khẩu gà thải của Hàn Quốc.

Tháng 12/2012, dẹp nạn gia cầm lậu tại chợ đầu mối Hà Vĩ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, trong tháng 12/2012 chấm dứt tình trạng tiêu thụ gia cầm nhập lậu tại chợ đầu mối Hà Vĩ (Hà Nội). Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đánh giá nghiêm túc tình trạng gia cầm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây bệnh cúm và mất an toàn thực phẩm được đưa và 2 thành phố năm 2012 cũng như xây dựng đề án ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả việc tiêu thụ gia cầm nhập lậu tại 2 thành phố.

Chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) là điểm nóng trong việc tiêu thụ gà nhập lậu, chi phối tới 80% thị trường Hà Nội. Theo các lực lượng chức năng, hiện tại ở miền Bắc có khoảng 11 đường dây chuyên tổ chức vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới phía Bắc đưa vào địa bàn Hà Nội tiêu thụ.

N.Y.

Chi Linh
.
.
.