Ngân sách bội thu do chậm giải ngân đầu tư công (?!)

Thứ Năm, 04/07/2019, 10:26
Đây là thực tế đáng báo động được đại diện Bộ Tài chính thông báo tại cuộc họp thường kỳ quý II/2019 vừa diễn ra của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Cụ thể, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá với 53% kế hoạch, nhưng chi ngân sách chậm (trong đó có giải ngân vốn đầu tư công chậm). Do vậy, ngân sách Nhà nước bội thu, góp phần giảm bội chi và nợ công.

Theo phân tích của các chuyên gia, thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 đến 7 đồng vốn trong xã hội.

Vướng mắc giải phóng mặt bằng gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.

Bởi vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ đóng băng nguồn vốn khác, điều đó đương nhiên sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, dù đã đi được 1/2 chặng đường của năm 2019, nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục… rùa bò.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 119.019 tỷ đồng, đạt 28,56% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 32,41% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 32,53% kế hoạch Quốc hội giao và 33,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó: vốn trong nước ước thanh toán hơn 114.840 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 33,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trái phiếu chính phủ là hơn 6.206 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 3.835 tỷ đồng); vốn ngoài nước là hơn 4.179 tỷ đồng.

Giải ngân vốn ngoài nước đến thời điểm hiện nay đang rất chậm, mới đạt 8,8% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 14,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 6 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%.

Trong đó, các đơn vị có tiến độ giải ngân nhanh nhất là Hội Nhà văn đạt hơn 83%, Tập đoàn Điện lực đạt hơn 79%; Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hơn 74%. Khối các địa phương giải ngân cao nhất là Ninh Bình, đạt hơn 75%; Nghệ An hơn 71%; Phú Yên, hơn 69%; Tuyên Quang hơn 62%...

Trong khi các bộ, ngành, địa phương nêu trên giải ngân đạt cao thì có đến 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Về phía khối các bộ, ngành, điển hình có một số đơn vị vẫn chưa giải ngân được một đồng vốn nào, đó là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là do các địa phương đang đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 được phép kéo dài sang năm 2019- số vốn này tương đối lớn, chiếm 60,89% kế hoạch giao năm 2018, khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc chủ yếu liên quan tới thủ tục trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục giao kế hoạch vốn, tiến độ phân bổ vốn chậm và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn…

Trước tình hình giải ngân chậm tiến độ, vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên cả nước. Đồng thời, Bộ Tài chính đang tổ chức các đoàn kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2018, năm 2019.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; đồng thời, đôn đốc chỉ đạo chủ đầu tư có những dự án khởi công mới chưa đến mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) đẩy nhanh tiến độ đấu thầu và ký hợp đồng gửi KBNN để giải ngân vốn…

Đại diện phía đơn vị trực tiếp giải ngân là KBNN, ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết cơ quan này đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành phân bổ dự toán kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vì hiện vẫn có một số địa phương chưa giao hết.

Riêng với việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng, theo ông Hồng, dù Luật đã có quy định hành lang pháp lý để thực hiện nhưng quá trình thực hiện phải làm sao phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn.

Ông Hồng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị trong Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các kiến nghị, giải pháp, các tham mưu của các đại diện chủ đầu tư, các tỉnh, địa phương; báo cáo và trình cấp có thẩm quyền trình sửa đổi quy trình để cho phù hợp.

Nhóm PV
.
.
.