Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm phiên giao dịch đầu năm

Thứ Hai, 04/01/2016, 20:11
Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, cơ chế điều hành tỷ giá mới đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng. 


Đáng chú ý, ngay phiên đầu tiên, tỷ giá trung tâm đã được cơ quan này nâng lên cao hơn 6 đồng so với ngày đóng cửa năm 2015, lên mức 21.896 đồng/USD. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

P.V: Thưa bà, việc NHNN thay đổi cách điều hành tỷ giá, và có động thái nâng tỷ giá trung tâm lên ngay trong phiên đầu tiên, vậy biên độ tỷ giá mà các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng là bao nhiêu?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: Sau khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành mới, và nâng tỷ giá trung tâm lên 6 đồng so với chốt phiên giao dịch cuối năm 2015, tỷ giá tại các NHTM hiện giao dịch thấp hơn trần khoảng 40-50 đồng. Nhu cầu của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao cơ chế mới. Riêng về biên độ, quy định vẫn giữ nguyên là +-3%. Các tổ chức tín dụng sẽ trên cơ sở tỷ giá trung tâm để xác định giá giao dịch trong biên độ cho phép.

P.V: Ngày nào cũng thay đổi, có ý kiến băn khoăn liệu như thế có làm tỷ giá biến động mạnh hay không?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: Có hai điểm nổi bật ở cơ chế điều hành mới: Thứ nhất, tỷ giá phản ánh linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường hơn, ở chỗ: tỷ giá công bố ngày hôm nay đã công bố diễn biến làm việc phiên hôm trước.

Thứ hai, tỷ giá cập nhật sáng nay đã cập nhật kịp diễn biến các đồng tiền khác từ 7h sáng. Cách điều hành tỷ giá mới là thả nổi có quản lý. Thả nổi phù hợp với thị trường nhưng vẫn có quản lý để đảm bảo với các cân đối vĩ mô, phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành tiền tệ.

Mục tiêu chính sách vĩ mô đặt ra năm 2016 vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Còn NHNN: điều hành chính sách tỷ giá phải đảm bảo ổn định tỷ giá và thị tường ngoại hối, nâng cao giá trị VNĐ. Bởi vậy, khi xác định cách thức xây dựng tỷ giá trung tâm, NHNN đã cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật: thả nổi có quản lý để tỷ giá không biến động quá mạnh. Cho nên, với băn khoăn tỷ giá lo ngại tỷ giá sẽ biến động mạnh, tôi khẳng định lại, NHNN với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ sẽ có biện pháp để đạt được mục tiêu trên.

P.V: Thưa bà, nhưng từ phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu, họ vẫn bày tỏ lo lắng về những rủi ro phải đối mặt khi tỷ giá biến động hàng ngày?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: Như phân tích của lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt hơn, việc này sẽ làm cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, thuận lợi cho doanh nghiệp do mua bán dễ dàng hơn. Thứ hai, do tăng giảm hàng ngày, nên sự thay đổi không lớn và không gây “sốc” nên tác động với doanh nghiệp nhỏ hơn. Thứ ba, nó thúc đẩy công vụ phái sinh, bảo đảm tỷ giá tốt hơn cho doanh nghiệp.

P.V: Tỷ giá lên xuống hàng ngày, theo bà liệu có tình trạng đầu cơ “lướt sóng”?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: Tăng giảm hàng ngày cho thấy tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp diễn biến thị trường, có thể mấy ngày tăng liên tiếp, cũng có thể ngày tăng ngày giảm, phù hợp với diễn biến trong nước và thế giới. Còn để đầu cơ lướt sóng, họ sẽ phải tính toán được có lợi hay không. Nhưng rõ ràng, với các tổ chức tín dụng, thì họ phải có tiền đồng để mua, mà tiền đồng cũng phải cân nhắc đến lãi suất tiền đồng là bao nhiêu và cân nhắc đầu tư vào kênh nào có lợi. Như vụ chính sách tiền tệ đã nói: NHNN sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sẽ thực hiện các giải pháp ổn định thị trường ngoại hối. Cho nên, điểm nhấn là của chính sách này là sự quản lý của NHNN để bình ổn thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

P.V: Vậy, đối với người dân, tỷ giá biến động hàng ngày sẽ tác động như thế nào? Người dân nên nắm USD hay VNĐ để có lợi hơn, thưa bà?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: NHNN vẫn nhất quán và kiên định mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, chuyển quan hệ cho vay sang mua – bán. Tất cả giải pháp nhằm chủ trương chống đô la hóa. Với doanh nghiệp, quy mô, khối lượng giao dịch xuất nhập khẩu nhiều. Còn với người dân, chủ yếu giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam. Những giao dịch xuyên biến giới như chuyển tiền ra nước ngoài, dù lịch, chữa bệnh... thì không nhiều và nhu cầu hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Với người dân có tiền tiết kiệm thì rõ ràng, người dân thu nhập và chi tiêu bằng tiền đồng, trong khi hiện nay, tiền đồng đang được nâng cao vị thế, lạm phát thấp (2015 chỉ dưới 1%), cho nên, gửi tiết kiệm bằng VNĐ 4-5%/kỳ hạn ngắn có lợi hơn nhiều. Hơn nữa, người dân chủ yếu gửi tiết kiệm chứ không mấy đầu cơ nên không ảnh hưởng nhiều.

P.V: Vậy, thông điệp mới của NHNN khi điều hành tỷ giá trung tâm là gì, thưa bà?

PTĐ Nguyễn Thị Hồng: Thông điệp của NHNN về điều hành tỷ giá mới là linh hoạt, phù hợp với thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo chính sách tiền tệ đạt mục tiêu đề ra.

Hàng ngày, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm, áp dụng trong ngày trên trang thông tin điện tử của NHNN. Tỷ giá này được tính toán dựa trên 3 thông số chính tỷ giá bình quân giao dịch trên thị trường ngân hàng, hai là tham chiếu đồng tiền các đối tác thương mại chính của Việt Nam, thứ ba là cân đối chính sách điều hành vĩ mô. Cách thức này thể hiện sự linh hoạt có lên, có xuống, phản ánh diễn biến của thế giới.

Lệ Thúy
.
.
.