Việt Nam nên điều chỉnh tỷ giá thường xuyên hơn

Chủ Nhật, 20/12/2015, 08:51
Dù đã được chuẩn bị tinh thần từ nhiều tháng và đã có những động thái “đón đầu”, nhưng “cú sốc” tăng lãi suất đồng USD của Fed vẫn khiến các mặt hàng chủ chốt như vàng, dầu… rớt thảm. 


Cùng với đó, thị trường tài chính toàn cầu nói chung và những nền kinh tế mới nổi nói riêng vẫn chịu tác động, dù không dồn dập nhưng sẽ ngấm dần và tạo nên những hệ lụy. Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng gì và nên đối phó như thế nào? Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.


Phá giá hay “down” lãi suất âm?

PV: Thưa ông, USD tăng giá thì Việt Nam sẽ chịu những tác động gì, nhất là những doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: USD mạnh lên cho thấy kinh tế toàn cầu về cơ bản đã ổn định và đang phát triển. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, mặt trái của việc USD mạnh lên là lòng tin của người dân vào VNĐ có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát, vì hàng nhập khẩu có thể phải trả một lượng USD lớn hơn, nợ công cũng tăng lên nếu tính bằng VNĐ.

Với những DN xuất nhập khẩu, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không điều chỉnh tỷ giá, vẫn giữ mức 22.547 đồng/USD. Nếu cơ quan quản lý vẫn giữ nguyên mức tỷ giá này sang ít nhất đầu năm sau thì sẽ không ảnh hưởng gì đến xuất nhập khẩu cuối năm cả. Ngược lại, nếu có điều chỉnh, ngay lập tức sẽ có ảnh hưởng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Nhưng, nếu không điều chỉnh, liệu thị trường có chịu giảm nhiệt hay không, thưa ông? Thực tế, trước khi lãi suất USD tăng, từ mấy tháng trước, thị trường ngoại tệ Việt Nam đã “dâng sóng” và đặc biệt trước điều chỉnh vài ngày, các ngân hàng (NH) trong nước đã đẩy USD lên kịch trần và tiếp tục neo mức này cho đến thời điểm hiện tại?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Tôi được biết trước khi Fed điều chỉnh lãi suất 1 ngày, khi USD trên thị trường dâng lên đến sát trần, đã có hiện tượng một vài NH không chịu giao dịch nữa. Nếu tiếp tục neo giá, thì một số NH “không chịu được nhiệt”, sẽ tái diễn tình trạng không chịu giao dịch, vì NH thì không chịu bán rẻ, còn người mua thì không muốn mua đắt, sẽ có tình trạng án binh bất động. Mà khi thị trường tê liệt thì nhiều hệ lụy sẽ xảy ra.

PV: Điều này chắc chắn NHNN đã tính đến?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, NHNN sẽ phải có những giải pháp. Hiện, vẫn còn 4 công cụ để NHNN lựa chọn. Thứ nhất, nếu muốn neo tỷ giá như hiện tại, NHNN phải bán dự trữ ngoại hối, hiện còn khoảng 30 tỷ USD. Nhưng, có bán thì cũng chỉ một số lượng nhất định, không thể bán quá nhiều sẽ rất nguy hiểm, vì một quốc gia cần phải có dự trữ ngoại hối tối thiểu bằng 3 tháng nhập khẩu. Song, điều đáng lo hơn là liệu bán ra, nhưng có “ghìm cương” được thị trường?

Thứ 2 là những quyết định mang tính hành chính: giảm lãi suất tiền gửi từ 0,25% xuống zero - điều này NHNN đã làm ngay sau khi Fed nâng lãi suất. Nhưng thực tế, thị trường vẫn chưa “hạ nhiệt”. Theo tôi, không phải chỉ bằng 0, mà thậm chí NHNN có thể mạnh tay hơn, “down” lãi suất xuống mức âm, tức là DN cũng như người dân nếu gửi tiền vào NH giữ hộ thì phải trả phí. Điều này sẽ giúp giảm tâm lý găm giữ USD, vì NHNN cũng không khuyến khích găm giữ, và giúp chống đôla hóa. Tuy nhiên, đây là điều mà mọi người không mong đợi, vì nó sẽ tạo sự bất an trong công chúng.

Thứ 3 là giải pháp kêu gọi, hô hào, khuyến nghị, khuyến cáo… bằng cách triệu tập các NH thương mại đến để hiệu triệu, rồi kêu gọi dân chúng không nên đầu cơ ngoại tệ... Nhưng điều này cũng khó, vì khi thị trường biến động, hiệu triệu suông cũng sẽ khó có kết quả.

Và công cụ thứ 4 là điều chỉnh tỷ giá. Cái này, NHNN không mong muốn và cũng đã ra thông điệp từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh. Đây sẽ là giải pháp cuối cùng được đưa ra. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá chỉ là sớm hay muộn thôi.

PV: Cách nào cũng có hạn chế, vậy theo ông nên chọn cách nào đó để vừa hiệu quả, vừa đỡ tốn kém?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Cá nhân tôi cũng mong muốn NHNN duy trì được tỷ giá hiện tại thêm 1 thời gian là tốt nhất. Song, quan điểm riêng thì nếu không thể duy trì được hơn nữa và nếu đã có quyết định điều chỉnh thì theo tôi, càng sớm càng tốt.

PV: Thưa ông, lúc nãy ông có nhắc đến vẫn đề trả nợ của Chính phủ. Vậy, lãi suất USD tăng, liệu có gây áp lực lên nợ công?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Với riêng nợ công, theo tôi sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến nợ công hiện tại, nhưng trong tương lai, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, vì USD tăng giá trị, tính ra VNĐ thì nợ công sẽ tăng lên, bởi vì ½ nợ công là ngoại tệ, trong đó USD chiếm một phần rất lớn. Quan trọng là việc điều chỉnh của Chính phủ, vì khi nợ bằng USD, Chính phủ cũng sẽ tìm các nguồn thu khác bằng ngoại tệ để trả nợ. Song, có một vấn đề đó là trong tương lai, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình, thì Việt Nam phát hành trái phiếu ra nước ngoài sẽ phải trả lãi suất cao, và dĩ nhiên là sẽ bị ảnh hưởng.

Lãi suất USD tăng, lãi suất VND cũng có khả năng “dâng sóng”.

“Hóa giải” cách nào?

PV: Thế còn phía DN, có ý kiến cho rằng trước đây, lãi suất USD bằng 0, DN Mỹ khi vay vốn kinh doanh được hưởng lợi từ nguồn vốn giá rẻ. Nay lãi suất USD tăng, đồng nghĩa với việc chi phí vốn sẽ cao hơn. Liệu đây có phải là tin mừng dành cho DN Việt - vốn đang phải chịu lãi vay ngân hàng quá cao- giúp họ tăng thêm sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập?

TS.Nguyễn Trí Hiếu:  DN Việt chịu lãi suất rất cao, nhưng việc Fed tăng cũng chẳng phải là tín hiệu gì đáng mừng bởi thực tế, nước nổi bèo sẽ nổi, nếu Fed tăng lãi suất, Việt Nam cũng khó giữ mức lãi suất hiện tại.

PV: Thực ra, không phải chỉ giá vốn của DN, mà ngay cả dòng vốn đầu tư, nhiều ý kiến cũng cho rằng rất dễ xảy ra hiện tượng “trào ngược”?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm vì trong mấy tháng gần đây, thị trường chứng khoán đã chứng kiến động thái bán ròng của các nhà đầu tư ngoại, khiến cho Vn-Index giảm liên tục. Bây giờ, khi USD tăng, khả năng này càng lớn hơn.

PV: Thị trường sắp bước sang năm 2016. Theo ông, NHNN có thể làm gì để “hóa giải” tình trạng trên?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Chuyện phá giá chắc là hiển nhiên rồi. Mình không thể nào ngồi bất động trong khi giá trị đồng USD tăng lên. Kinh tế Mỹ đang đi lên trong khi Việt Nam là nước nước tiềm lực tài chính và khả năng kinh tế có hạn, thành ra thị trường đang chờ đợi đồng VNĐ giảm giá, tức tỷ giá sẽ phải tăng lên. Trong năm tới, áp lực tỷ giá ngày càng lớn khi Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và mỗi lần tăng như thế áp lực lại dồn lên lãi suất đồng VND. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tạo lên rất nhiều khó khăn cho Việt Nam, khi tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ.

Với bối cảnh như thế, việc phá giá đồng VNĐ là hiển nhiên. Cái đó không cần phải hỏi các chuyên gia, mà bây giờ mấy bà ngoài chợ kia cũng nhìn nhận như vậy, là đồng VNĐ không thể trụ ở mức hiện tại và sẽ phải phá giá. Nhưng phá giá mức bao nhiêu, phá giá tại thời điểm nào mới là vấn đề. Theo tôi, phá giá càng sớm càng tốt. Và tôi đề nghị là nếu có phải điều chỉnh, thì Việt Nam nên điều chỉnh thường xuyên trong năm tới, chứ không phải tháng 3 nhảy lên 1%, rồi tháng 6 lại nhảy lên 1%, mỗi lần nhảy như thế là lại tạo ra sự biến động trên thị trường. Những người găm giữ USD sẽ có tâm lý chờ đợi, mua vào trước khi điều chỉnh để bán ra kiếm lời. Thành ra phá giá theo kiểu cứ dồn cục như thế là rất nguy hiểm. Phá giá ở mức độ nào đó là cơ quan quản lý quyết định, nhưng về tần suất có lẽ phải thường xuyên hơn là 3-4 lần như năm vừa rồi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lệ Thúy
.
.
.