Buôn lậu cuối năm tuyến biên giới Lào Cai: Sóng ngầm vùng biên

Thứ Tư, 13/01/2016, 08:32
Ba tháng nay, do chính sách “cấm biên” của nước bạn nên hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã giảm mạnh. Đây là dịp để các đối tượng buôn lậu thừa cơ hoạt động.


Sông Hồng và sông Nậm Thi chảy qua địa phận Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; thôn Bản Quẩn, Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát… là địa bàn nóng để vận chuyển hàng lậu vào ban đêm.

Mỗi chuyến cõng hàng lậu nhận 100.000 – 200.000đ

Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là khu dân cư thưa thớt, vào ban đêm thường diễn ra hoạt động cõng, khuân vác hàng lậu từ bên kia biên giới về. Mỗi chuyến cõng hàng, cư dân được trả công từ 100.000 - 200.000 đồng. Chủ hàng khoán trắng cho cửu vạn, vì thế các đối tượng khi bị phát hiện đều sống chết giữ hàng.

Công an và QLTT bắt một lô hàng phụ tùng xe máy nhập lậu.

Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai thì do người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Nậm Thi nên đối tượng buôn lậu tụ tập, tích trữ hàng hóa và lợi dụng những giờ cao điểm để vận chuyển hàng trái phép qua biên giới. Tại một số điểm giáp ranh biên giới đất liền và những nơi sông, suối trong mùa nước cạn giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đối tượng buôn lậu lợi dụng mang vác hàng hóa nhỏ lẻ, khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện thì vận chuyển sang bên kia, bỏ chạy tránh sự truy đuổi của lực lượng chống buôn lậu.

Địa bàn trọng điểm là khu vực Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; khu vực thôn Bản Quẩn, Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; khu vực dọc hai cánh gà, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; khu thương mại Kim Thành; khu vực thôn An Quang, xã Quang Kim, khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát. Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Lào Cai thì năm nay, mặt hàng lậu chủ yếu là hàng cấm và hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ Tết như pháo, rượu, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc lá…

Thượng tá Nguyễn Trung Hoài, Phó trưởng Phòng PC46, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, việc thí điểm xuất khẩu nông sản tại lối mở km6 xã Bản Phiệt, lối mở Na Lốc, lối mở Lũng Pô xã A Mú Sung và tình trạng các hộ dân xây dựng kho chứa hàng hóa ở khu vực giáp biên giới tập kết hàng nông sản, lương thực với số lượng lớn, lợi dụng đêm tối để vận chuyển qua biên giới, gây khó khăn cho công tác quản lý, bắt giữ, xử lý vi phạm.

Đấu tranh với những thủ đoạn gian lận thương mại

Theo Thượng tá Nguyễn Trung Hoài, năm nay nổi lên các thủ đoạn như lợi dụng sơ hở để trà trộn hàng lậu với các loại hàng hóa khác khi qua cửa khẩu, sau đó thu gom lại số lượng lớn để vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Cuối năm cũng là lúc hoạt động thương mại, trốn thuế gia tăng, chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu các mặt hàng qua cửa khẩu Lào Cai khai không đúng chủng loại, số lượng hàng hóa để gian lận trốn thuế.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu. Ảnh: baocongthuong

Đặc biệt, lợi dụng việc Bộ Công thương cho phép các công ty, doanh nghiệp nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất trong nước như than cốc, lá thuốc lá, phân bón các loại và tái xuất hàng đông lạnh qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát; xuất khẩu gạo thí điểm qua một số lối mở để nhập, xuất vượt số lượng so với tờ khai, giấy phép hoặc nhập lậu các mặt hàng trên để tập kết, vận chuyển cùng với những lô hàng có giấy tờ nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Năm 2015, lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ và phối hợp bắt giữ, xử lý 130 vụ việc với 132 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu giữ khoảng 10 tỷ đồng; khởi tố 6 vụ án với 7 bị can, trong đó có vụ buôn lậu 170kg ngà voi. So với mọi năm, mặt hàng thuốc lá được đối tượng buôn lậu thuê mang vác nhiều, đã bắt và tạm giữ 32,5 tấn nguyên liệu thuốc lá, 1.430 bao thuốc lá ngoại, 36,2 tấn nguyên liệu lá thuốc lá.

Điển hình là tại khu vực cột mốc biên giới số 196 thuộc khu 10, phường Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu và Đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai bắt giữ lô hàng gồm 1.000 bao thuốc lá điếu, 60 khẩu súng bắn đạn bi nhựa, 290 đồ chơi bạo lực... Giáp Tết cũng gia tăng tình trạng vận chuyển hàng kim loại, phụ tùng xe máy, ôtô nhập lậu. Gần đây nhất, Phòng PC46 phối hợp với Đội QLTT số 7 đã thu giữ lô hàng ống kim loại và thanh kim loại lớn đang tập kết tại phường Lào Cai, TP Lào Cai.

Làm thế nào để ngăn chặn hàng lậu qua biên giới? Theo Phòng PC46 thì chủ hàng chủ yếu là người ở các tỉnh khác lên Lào Cai sang Trung Quốc mua hàng và thuê khoán thẳng cho cư dân biên giới vận chuyển và hợp thức hóa thủ tục (có đầy đủ hóa đơn) để đưa về xuôi tiêu thụ. Vì thế trong quá trình bắt giữ, xử lý chỉ bắt được cư dân, cửu vạn với số lượng hàng hóa ít, khó xác định được chủ hàng. Một số doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân là doanh nghiệp để mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa, sau đó dùng các thủ đoạn gian lận để quay vòng hóa đơn chứng từ.

Hiện Lào Cai chưa có một quy chế thống nhất quy định về trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu phụ, các lối mở, lối mòn dọc tuyến biên giới trong công tác quản lý con người, phương tiện cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Vì vậy công tác phối hợp của các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu còn chưa được chặt chẽ. Để công tác này đạt hiệu quả, thiết nghĩ cần sớm có quy chế để quy định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp chống buôn lậu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết, những điểm tập kết hàng hóa tạm nhập tái xuất “nóng” như khu vực Na Mo, Bản Phiệt, Na Lốc, Quang Kim và cửa khẩu phụ Bản Vược là nơi lực lượng QLTT phải tăng cường kiểm tra. Đến nay, chưa phát sinh điểm nóng về buôn lậu, buôn bán hàng cấm trên địa bàn Lào Cai. Tuy nhiên, hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Bản Vược hiện đã bị đóng băng do phía Trung Quốc không thu mua nên đây là mối nguy lớn nếu như nó được “rút ruột” quay vào nội địa. Năm 2015 Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai đã xử lý 103 vụ hàng nhập lậu, hàng hóa chủ yếu là thực phẩm đông lạnh.


Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.