Lò đốt rác hơn 6 tỷ có nguy cơ “chết yểu”

Thứ Ba, 19/09/2017, 09:16
Để phục vụ yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt, TP Hải Phòng và huyện An Lão đã đầu tư từ nguồn ngân sách xây dựng 1 lò đốt rác đặt ở xã Quốc Tuấn, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng (loại lò Bđanpha, công suất 500kg/giờ).

Cuối năm 2016 UBND xã Quốc Tuấn đã ký hợp đồng với Công ty CPDV và Xây dựng Hoàng Kim Long tiếp nhận đưa vào vận hành, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Quốc Tuấn và một số xã lân cận. Kinh phí vận hành lò đốt do UBND xã Quốc Tuấn chi trả mức 20 triệu đồng/tháng, lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường huyện cấp cho xã.

Ông Hoàng Văn Long, Giám đốc CT CPDV và Xây dựng Hoàng Kim Long, cho biết: Doanh nghiệp (DN) vận hành lò từ tháng 10-2016, thuê 5 lao động trực tiếp và 1 bảo vệ, mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong quá trình hoạt động, DN đã gặp rất nhiều khó khăn, do chỉ đốt rác thải sinh hoạt cho người dân xã Quốc Tuấn nên lò không chạy hết công suất (chỉ chạy 8h là hết rác). Vì vậy, lò phải khởi động thường xuyên, dẫn đến tốn kém nhiều so với được vận hành liên tục. Số tiền 20 triệu đồng/tháng xã chi không đủ trả lương cho công nhân, chưa kể các chi phí khác. Một số loại rác thải không đốt được, tập kết về sau khi phân loại không có bãi chôn, chứa phải đổ tràn cả lên đê sông Văn Úc.

Khu vực lò đốt rác tại xã Quốc Tuấn.

Đầu tháng 7-2017, UBND xã Quốc Tuấn thông báo cho DN về việc UBND huyện cắt 50% số tiền chi trả cho việc vận hành lò (chỉ còn 10 triệu đồng/tháng). Hiện lò đốt rác đang phải hoạt động cầm chừng vì với số tiền 10 triệu đồng/tháng thì chỉ trả lương cho người lao động cũng không đủ... Nếu tình trạng này tiếp diễn thì DN không thể duy trì hoạt động vì phải liên tục bù lỗ và nguy cơ phá sản đang cận kề.

Trao đổi với PV, ông Văn Đức Thặng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết: Mặc dù địa phương đã vận động người dân dồn điền, đổi thửa nhượng lại thêm diện tích 880m2 để làm bãi chứa rác thải rắn, nhưng cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu trong thời gian khoảng 2 năm. Chưa có hồ điều hoà chứa nước rỉ nên khi mưa lớn, xảy ra tràn nước rác xuống khu vực cánh đồng dẫn đến không canh tác được, gây bức xúc với người dân.

UBND huyện đã chỉ đạo xã chấn chỉnh, yêu cầu DN thực hiện nghiêm qui trình vận hành. Tuy nhiên do ý thức được những khó khăn của DN và để lò đốt rác tiếp tục hoạt động, UBND xã có dự tính sẽ hỗ trợ DN 50% (để đảm bảo 20 triệu như trong hợp đồng ban đầu) nhưng chưa thực hiện được vì còn vướng mắc nhiều vấn đề...

Quan điểm của UBND huyện là: sẽ thực hiện việc chi trả 20 triệu chi phí vận hành cho DN theo hợp đồng trong điều kiện lò vận hành 100% công suất. Hoặc sẽ hỗ trợ 100% nguồn kinh phí được thành phố cấp theo qui định cho các lò đốt rác là 500 triệu đồng/năm, khi DN bảo đảm xử lý lượng rác thải sinh hoạt cho 3 xã trở lên.

Trước thực trạng Hải Phòng đang “nóng” vấn đề thu gom, bãi chứa và xử lý rác thải sinh hoạt của người dân ở các huyện ngoại thành, mong rằng các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp, tạo điều kiện để lò đốt rác hoạt động hiệu quả, bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân.

Văn Thịnh
.
.
.