Khủng hoảng thừa đàn heo, yếu từ quy hoạch đến dự báo

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:39
Khi người dân Đồng Nai nuôi heo đạt tới số lượng trên dưới 2 triệu con, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh này luôn tự hào với danh xưng “thủ phủ nuôi heo của cả nước”.

Thậm chí cả các cơ quan chuyên trách của Bộ NN và PTNT cũng cho đây là thành tích trong phát triển chăn nuôi mà quên đi trách nhiệm kiểm soát quy hoạch và dự báo thị trường đầu ra để tư vấn, thậm chí là nhắc nhở, khuyến cáo người chăn nuôi chân chất - những người đang mang danh chủ trang trại, DN hoặc hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Việc nuôi heo ở Đồng Nai càng dễ kiểm soát hơn khi nghề nuôi heo kinh doanh lại chỉ tập trung ở địa bàn huyện Thống Nhất với 1.579 trang trại và 4.067 hộ chăn nuôi, tổng đàn heo trên toàn huyện có hơn 350.000 con… 

Thế nhưng, khi câu chuyện khủng hoảng thừa đàn heo ở Đồng Nai đã đến hồi nghiêm trọng, không chỉ dư luận và người nuôi heo ở Đồng Nai sốt ruột lên tiếng, rằng mỗi con heo thịt xuất bán, người nuôi phải chịu lỗ hơn 1 triệu đồng; chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn cũng lo lắng với nguy cơ phá sản ?

Điển hình cho thực trạng này,  hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất đã phải thế chấp giấy tờ nhà, đất để vay hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi heo với tổng đàn được giữ ở mức gần 1.000 con. Gặp lúc giá heo rớt xuống đáy nhiều tháng, ông Thắng phải bỏ chuồng hơn phân nửa, số đầu heo còn lại cũng đã phải tính đến việc bán tháo nhằm thu hồi vốn, cắt lỗ. 

Nghịch cảnh này cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ dân nuôi heo tại Đồng Nai. Về nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa đàn heo ở Đồng Nai, cơ quan đơn vị nào cũng viện dẫn ra lý do hết sức hợp lý để biện bạch. Còn trách nhiệm để xảy xa tình trạng phát triển nóng đàn heo dẫn đến khủng hoảng thừa ở địa phương này. Đến nay cả Sở NN và PTNT Đồng Nai cho đến các cơ quan chuyên trách của Bộ NN và PTNT đều chưa đủ dũng cảm để đứng ra nhận.

Cuối tháng 4 vừa qua, sau khi đi thị sát thực tế tại một số trang trại nuôi heo quy mô lớn, đoàn công tác của Bộ NN và PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai nhằm tìm giải pháp cùng địa phương này giải cứu đàn heo trên địa bàn.

Khi đó, Sở NN và PTNT Đồng Nai đã “kêu” rằng đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đầu ra cho đàn heo với khoảng 1,7 triệu con. Sở này còn cho rằng, nguyên nhân chính được xác định là thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc đóng cửa, không nhập heo từ Đồng Nai.

Mà theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thời điểm thị trường Trung Quốc còn cho nhập heo theo đường tiểu ngạch, bình quân mỗi ngày thương lái mua heo từ Đồng Nai để xuất sang thị trường này với số lượng từ 3.000 đến 5.000 con, cao điểm có thể lên tới 7.000, thậm chí 10.000 con.

Lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến đàn heo địa phương này khủng hoảng thừa trầm trọng là do phía Trung Quốc ngừng nhập heo trong một thời gian quá dài, trong khi đó người nuôi heo vẫn không giảm đàn. 

Trong khi đó, theo chia sẻ của một số thương lái đã đưa heo đi Trung Quốc, việc đối tác ngưng nhập heo từ Đồng Nai quá đơn giản, rằng do một số địa phương bên kia biên giới thực hiện di dời, quy hoạch lại ngành chăn nuôi heo theo hướng giãn ra ngoại ô để bảo vệ môi trường.

Câu chuyện càng trở lên đáng suy ngẫm hơn khi ngành nông nghiệp và chính quyền tỉnh Đồng Nai vào cuộc giải cứu chuyện tiêu thụ đàn heo là nhiều DN đã lên tiếng trước các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bằng việc đưa ra khuyến cáo: Các hộ chăn nuôi heo cần mạnh dạn loại bỏ heo nái sau 5 lứa, DN sẽ đứng ra hỗ trợ các trang trại tái đàn để giảm đàn về lâu về dài.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng đã đến lúc thực hiện cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của của tỉnh để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá, cung vượt cầu như hiện nay. 

50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi
cam kết hạ giá giúp nông dân

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sau lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay đã có nhiều đơn vị, nhiều cơ quan ban ngành, nhiều tỉnh, thành tham gia "giải cứu" người nuôi lợn trong cả nước. Trong đó Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương đi đầu với nhiều động thái tích cực giúp dân vượt qua khó khăn.

Cụ thể cuối tháng 4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đoàn công tác của Bộ vào làm việc với tỉnh Đồng Nai bàn giải pháp giải cứu đàn lợn, tỉnh Đồng Nai đã đồng ý cho Hiệp hội chăn nuôi của tỉnh tổ chức thu mua lợn thịt.

Theo ông Trọng, UBND tỉnh Đồng Nai còn bố trí cả chợ cho đơn vị này bán thịt với giá hợp lý dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội thu mua lợn hơi của bà con với giá khoảng 30.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá lợn ở thời điểm hiện tại).

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thêm, sau khi làm việc thành công với tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến lợn cho “thủ phủ” lợn ở Đồng Nai và một số tỉnh lân cận. “Buổi làm việc với các đơn vị này cũng thu được kết quả khá tốt, các đơn vị này đã nhận tiên phong tăng sản lượng lợn thu mua tại Đồng Nai với giá hợp lý để vừa giúp người nuôi đỡ lỗ và cung cấp sản phẩm giá rẻ cho người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 50 công ty, doanh nghiệp sản xuất thức ăn cam kết và thực hiện hạ giá thức ăn chăn nuôi cho nông dân.

Bên cạnh đó có một số công ty như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Vissan… đều đã tăng số lượng thu mua và giết mổ lợn. Về lâu về dài, Bộ NN&PTNT đang có định hướng giảm đàn nái, đây là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất trong thời gian tới. Tiếp đó, Bộ sẽ đẩy nhanh việc đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch với Trung Quốc và một số nước khác. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất cám, thức ăn chăn nuôi giảm giá thành để hỗ trợ người chăn nuôi.

Chi Linh

Bảo Sơn
.
.
.