Chưa xuất khẩu được thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc

Thứ Tư, 03/05/2017, 09:44
Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng giá thịt lợn đang diễn ra hiện nay là do phía Trung Quốc ngừng mua. Trong khi, từ trước đến nay, lợn của Việt Nam chủ yếu được xuất sang nước này.

Tuy nhiên, một thực tế là dân ta mới chỉ xuất lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chứ chưa xuất chính ngạch. Chính kiểu mua bán không hợp đồng, không được đảm bảo này khiến mức độ rủi ro cao và người nông dân luôn trong tình trạng bị động.

Ngay từ tháng 12 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử 2 đoàn công tác sang Trung Quốc đàm phán, làm việc với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) để thảo luận một số vấn đề nhằm thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước, trong đó có sản phẩm lợn sống và thịt lợn đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có một lô hàng thịt lợn nào được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Mới đây, những ngày cuối tháng 4, Cục Thú y đã đề xuất Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) hỗ trợ kết nối, tiếp tục đàm phán với Cục Thú y Trung Quốc để cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với lợn sống và thịt lợn xuất khẩu từ Việt Nam.

Rất ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc để có thể xuất khẩu thịt lợn.

Theo ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y, số liệu sơ bộ của các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai cho thấy, năm 2016, tổng số lợn sống xuất bán qua Trung Quốc khoảng 4,17 triệu con (gồm có: 743.000 con lợn thịt và 3,427 triệu con lợn sữa). So với tổng đàn hiện nay chiếm chưa đến 10% (tổng đàn cả nước có 51 triệu con) và số lợn xuất khẩu sang nước Trung Quốc đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa.

Ông Thể khẳng định, hiện có 8 nhà máy giết mổ lợn sữa và lợn choai xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hồng Kông, Malaysia (gồm có: 6 nhà máy giết mổ lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông; 2 nhà máy xuất khẩu lợn sữa sang Malaysia). Sản lượng thịt lợn xuất khẩu chính ngạch sang các nước khoảng 11.000 tấn/năm.

“Nhưng mặt hàng lợn sống của Việt Nam từ trước đến nay không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc buôn bán, vận chuyển, xuất bán lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, thực hiện qua hai bên cánh gà của các điểm thông quan thuộc khu vực các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc biên giới giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai,… của Việt Nam với Trung Quốc”, ông Thể cung cấp thông tin.

Thực tế, việc mua bán qua đường tiểu ngạch này không phải các chủ trang trại lợn không biết và Bộ NN&PTNT cũng đã liên tục cảnh báo đến người chăn nuôi. Thời điểm năm 2015 - 2016, Trung Quốc trải qua trận rét lịch sử cộng dịch bệnh khiến đầu đàn lợn của nước này giảm mạnh. Do nguồn cung thiếu hụt đột biến, suốt năm 2016 thương lái Trung Quốc đã đến tận trang trại lợn của Việt Nam thu mua. Có thời điểm, giá lợn tăng cao đột biến, thương lái Trung Quốc mua cả lợn con, lợn choai với giá gần 2 triệu đồng/con.

Vào thời điểm giữa năm 2016, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã từng nhận định: "Do thương lái Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, vì vậy, chúng ta không thể biết kế hoạch mua của họ là bao nhiêu. Theo thị sát của phía Cục Chăn nuôi, có những ngày ở khu vực biên giới có tới 60 - 70 xe lợn được tập kết, vận chuyển qua biên giới, thậm chí có nơi còn lập hàng rào, đường dẫn để lùa lợn chạy qua biên giới".

Thấy được giá, người chăn nuôi lại tiếp tục đầu tư tăng đàn. Nhưng việc mua bán qua đường tiểu ngạch, nếu bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc siết chặt, thương lái sẽ không thể vận chuyển lợn xuyên rừng sang Trung Quốc. Và xuất hiện tình trạng ế thừa lợn như hiện nay.

Hiện nay chưa thể nhanh chóng triển khai xuất khẩu chính ngạch lợn sang Trung Quốc là do chính các trang trại nuôi lợn đang thiếu điều kiện vệ sinh do Trung Quốc yêu cầu. Vì thế, Cục Thú y đã đưa ra 4 giải pháp.

Trước mắt, ngoài việc đề nghị FAO hỗ trợ đàm phán với Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải căn cứ vào yêu cầu vệ sinh thú y của phía Trung Quốc đối với thịt lợn, lợn sống xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có nhu cầu xuất khẩu (CP, DABACO, JAPFA COMFEED,...) để chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT cần rà soát lại đề án xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với lợn để xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình; xem xét mở rộng hoặc thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương khác có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của phía Trung Quốc (ví dụ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An); xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật đối với lợn (trước mắt là lở mồm long móng, dịch tả lợn) phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, Cục Thú y cũng đề nghị Bộ NN&PTNT họp với các tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan, gồm: các tỉnh, thành phố trọng điểm về chăn nuôi lợn (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP Hồ Chí Minh,...); Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam; các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ lợn… để bàn biện pháp đưa lợn xuất khẩu đi Trung Quốc.

Nếu thịt lợn được nuôi sạch, không có dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh thì hoàn toàn có đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch thuận lợi. Điều này đòi hỏi nhận thức từ chính các trang trại chăn nuôi.

Ngọc Yến
.
.
.