Khởi nghiệp từ…tay trắng
Năm 2016 được coi là năm quốc gia khởi nghiệp. Bằng đam mê và quyết tâm, không ít startup Việt đã khởi nghiệp thành công từ… tay trắng.
Bỏ học Thạc sĩ để… bán vé xe
Trần Nguyễn Lê Văn là cái tên gây ấn tượng mạnh với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đi lên từ tuổi thơ vất vả, nghèo khó, anh trở thành nhà sáng lập Vexere.com với 1,5 triệu lượt truy cập và đặt vé mỗi tháng.
Hệ thống này cho phép hành khách chọn nhà xe, giá vé, ghế ngồi, tuyến đường theo ý muốn với các hình thức thanh toán linh hoạt. Ít ai biết, để có thành công như hiện nay, anh đã từng bỏ ngang chương trình đào tạo Thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) ở Mỹ với học bổng trị giá 86.000 USD để về nước... bán vé xe.
Phong trào khởi nghiệp lên cao trong giới trẻ. |
Quyết định bỏ học này của anh đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình bởi trong xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam, việc có tấm bằng MBA đồng nghĩa với tương lai rộng mở, trong khi khái niệm khởi nghiệp khi ấy còn rất mơ hồ.
Nói về ý tưởng thành lập Vexere.com, Trần Nguyễn Lê Văn cho biết: “Năm 2012, khi đang học MBA ở Mỹ, tình cờ có lần lên mạng đọc báo, tôi thấy hình ảnh cả trăm người phải xếp hàng chờ đợi rất lâu để mua vé về quê. Điều này thật vất vả và lãng phí thời gian.
Tôi đã nghĩ, thị trường vận tải bằng xe khách tại Việt Nam rất tiềm năng khi có hơn 1.000 nhà xe phục vụ cho hơn 24 triệu người, tại sao lại không làm điều gì đó? Và thế là, tháng 7-2013, Vexere.com đã ra đời”.
Thế nhưng, khó khăn lại ập đến khi các hãng xe từ chối hợp tác do đã quen với lối bán vé truyền thống. Để thuyết phục được đối tác, anh quyết định cung cấp phần mềm miễn phí cho 2 nhà xe. Sau khi áp dụng thấy chi phí điện thoại giảm 40%, doanh thu tăng 20%, các nhà xe mới chấp nhận hợp tác. Hiện tại, Vexere.com có hơn 20.000 đại lý, 2.000 nhà xe tham gia.
Tùy từng thời điểm và chính sách của hãng xe, hành khách có thể mua được vé xe rẻ hơn giá thực tế từ 10-50%, còn Vexere.com nhận được chiết khấu 10%/vé. Trong thời gian tới, Vexere.com không chỉ dừng lại ở bán vé xe khách, mà còn bán vé tàu hỏa, máy bay và mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á.
Vexere.com không phải là dự án khởi nghiệp đầu tiên của Trần Nguyễn Lê Văn. Trước đó, anh đã từng làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống như bán bánh đúc, thịt bò…
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, anh vay 20 triệu đồng của người thân để bán bánh đúc với hi vọng nâng tầm thương hiệu bánh đúc Đồng Nai. Với nguồn vốn ít ỏi, lại thiếu kinh nghiệm thị trường, ý tưởng của anh nhanh chóng thất bại. Không từ bỏ ước mơ, anh lại chuyển sang bán thịt bò, chuyên cung cấp cho các nhà hàng.
Công việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi thì anh nhận được học bổng đi du học tại Mỹ. Khi chương trình MBA sắp kết thúc, anh lại bỏ học để khởi nghiệp. Tuy đã thành công với quyết định mạo hiểm nhưng anh lại khuyên các bạn trẻ không nên học theo mình.
“Trên thế giới có nhiều người rất thành công dù bỏ học giữa chừng như tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Apple Steve Jobs hay CEO Facebook Mark Zuckerberg… nhưng những người khởi nghiệp không bao giờ bỏ học. Họ có thể bỏ học ở trường lớp nhưng luôn học ở trường đời. Chỉ nên bỏ học khi bản thân có đủ đam mê và quyết tâm” – anh nói.
Chia sẻ về bí quyết thành công, anh nói thêm: “Để khởi nghiệp, chưa cần nguồn vốn quá lớn, nhưng rất cần có kiến thức về thị trường và những người cộng sự chung chí hướng. Vexere.com có được ngày hôm nay cũng là nhờ có thêm hai nhà đồng sáng lập là Đào Việt Thắng và Lương Ngọc Long. Chúng tôi hợp tác rất ăn ý”. Đào Việt Thắng từng là quản trị viên tập sự của Ngân hàng ANZ, tốt nghiệp cử nhân tài chính ở Mỹ, hiện đảm nhận vai trò quản lý tài chính, kinh doanh của hệ thống Vexere.com. Trong khi đó, Lương Ngọc Long từng đoạt giải Olympic tin học cấp quốc gia năm 2005, hiện đang phụ trách mảng công nghệ thông tin và sản phẩm.
CEO hẹn hò “ôm nợ” cho ý tưởng khởi nghiệp
Ở tuổi 29, Vũ Nguyệt Ánh trở thành CEO của Rudicaf. Ra đời từ năm 2011, Rudicaf gây sốt khi trình làng nhiều sản phẩm, dịch vụ như ứng dụng book lịch hẹn hò trên di động cùng hệ thống chăm sóc cuộc hẹn bài bản; dịch vụ tìm đối tượng hẹn hò; tư vấn chuyên sâu về hẹn hò, tình yêu, hôn nhân...
Vũ Nguyệt Ánh sinh năm 1987, từng tốt nghiệp Á khoa chuyên ngành Đạo diễn truyền hình tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Trở thành MC của VTV trong nhiều năm nhưng cô gái trẻ lại thực sự đam mê với kinh doanh.
Chỉ sau khi ra trường chưa đầy 1 năm, Ánh đã được mời về làm Phó Giám đốc điều hành 1 công ty truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh với mức lương lí tưởng của nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp.
Tuy nhiên, sau một thời gian, Ánh quyết định từ bỏ mọi thứ đang rộng mở để thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới: “Hẹn hò và kết nối con người”. Trở ra Hà Nội, Ánh bắt tay vào thực hiện đam mê bằng việc vay vốn ngân hàng, tự mở công ty riêng trong sự phản đối quyết liệt của gia đình.
Ánh chia sẻ: "Bố mẹ mình rất bức xúc và thất vọng. Bố muốn mình tiếp tục con đường làm MC, còn mẹ muốn mình đi du học để không lãng phí 7 năm học chuyên Pháp và cũng bởi vì du học thời đó vẫn là trào lưu khá hot".
Với số vốn mấy trăm triệu vay ngân hàng, cô gái trẻ mạnh dạn sáng tạo ra các mô hình dịch vụ khá mới mẻ như "single party - mini party" dành cho các bạn trẻ độc thân cùng với các hoạt động trò chơi giao lưu, kết nối được tổ chức vào tối thứ 7 hằng tuần; "love warming night" – bữa tối lãng mạn cao cấp dành cho các đôi vợ chồng, các cặp đôi đang yêu với nhạc sống; "luxury connection" – dịch vụ kết nối tình yêu dành cho các đối tượng khách hàng cao cấp. Ở thời điểm ấy, các dịch vụ của Rudicaf đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khách hàng.
Tuy nhiên, do mức chi phí tổ chức khá cao, trong khi thị trường lại chưa đủ tốt, cộng thêm việc thiếu kinh nghiệm quản lý tài chính, chưa đủ các mối quan hệ xã hội rộng rãi để mở rộng khách hàng và việc marketing gặp nhiều hạn chế bởi mạng xã hội thời đó còn chưa phát triển mạnh, sau hơn 1 năm hoạt động và chấp nhận bù lỗ, Ánh đã phải đóng cửa công ty cùng với món nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng. Cô gái trẻ quyết định quay lại làm thuê.
CEO Vũ Nguyệt Ánh. |
Với mức lương khá tốt ở Tập đoàn Vingroup, cộng thêm việc tính toán chi tiêu hợp lí, sau 3 năm, Ánh đã trả hết món nợ ngân hàng. Đầu năm 2016, Ánh quyết định quay trở lại con đường khởi nghiệp với Rudicaf cùng kì vọng thay đổi quan niệm của xã hội về dịch vụ hẹn hò nói riêng và các dịch vụ kết nối con người nói chung.
Bằng những kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ xã hội phong phú đã tích lũy được trong những năm đi làm thuê, Rudicaf ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Tại Đại hội khởi nghiệp Việt Nam – sự kiện lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp, Vũ Nguyệt Ánh đã được vinh danh “Gương mặt phụ nữ khởi nghiệp của năm”.
CEO 29 tuổi này chia sẻ: “Thất bại không hề đáng sợ. Trên 90% các startup khi vừa bắt đầu cũng đều thất bại. Nhưng nếu kiên trì mục tiêu, không từ bỏ hi vọng, nhất định thành công sẽ đến”.