Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng từng ngày
- Vĩnh Long – Trà Vinh thiệt hại hơn 700 tỉ do hạn mặn
- Thiên tai hạn mặn & bài toán an ninh lương thực
- Ngành chăn nuôi điêu đứng vì hạn mặn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.500– 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 – 5.800 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 – 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.800 – 6.900 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. |
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.900 – 8.000 đ/kg, gạo 15% tấm 7.700 – 7.800 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.550 – 7.650 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Đến thời điểm hiện nay, vụ đông xuân 2015-2016, cả nước đã thu hoạch 700.000ha trong tổng 1,5 triệu ha lúa xuống giống, với năng suất 6,8 tấn/ha.
Anh Trần Mạnh Tường (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, lúa IR50404 chỉ khoảng 4.200-4.300 đồng/kg, lúa thơm Jasmine từ 4.600-4.800 đồng/kg thì đầu tháng 3 lúa IR50404 tăng lên 4.600-4.700 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 4.900 đồng/kg. Nhưng hiện nay lúa IR50404 tăng lên đạt 5.000 đồng/kg, có nơi thương lái săn lùng lúa IR50404 để mua với giá từ 5.200-5.300 đồng/kg. Đầu tháng 3 vừa qua tôi vừa bán cho thương lái 15 tấn lúa IR50404 với giá 4.700 đồng/kg, nếu tính giá lúa hiện nay là 5.000 đồng/kg thì tôi mất hơn 7 triệu đồng”.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000ha lúa bị giảm năng suất do ảnh hưởng từ hạn, mặn nhưng bù lại giá lúa đang tăng từ 300-400 đồng/kg, có lợi cho người nông dân”.
Còn tại Vĩnh Long, sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt thu mua lúa trong dân vì lúa vụ đông xuân là loại có chất lượng tốt nhất so với 2 vụ còn lại trong năm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Giá lúa hiện nay đang có lợi cho nông dân và tăng rất cao nên ngành nông nghiệp của tỉnh không đề xuất thu mua tạm trữ lúa gạo như mọi năm”. Còn theo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ thì toàn thành phố đã thu hoạch được gần 57.000ha lúa đông xuân, chiếm khoảng 70% diện tích gieo sạ nên địa phương này không nhất thiết cần đến chính sách tạm trữ.
Trước tình hình giá lúa gạo tăng, nhiều nông dân đã vội vàng xuống giống vụ hè thu. Trong khi đó, theo Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, hạn, mặn sẽ còn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL và kéo dài đến cuối tháng 5. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) khuyến cáo: “Chính quyền địa phương phải sớm ngăn chặn, người dân không nên gieo sạ sớm khi hạn, mặn chưa giảm, nếu không sẽ thiệt hại nặng nề. Về lâu dài cần nghiên cứu nhiều giống lúa chịu mặn, sử dụng ít nước để thích nghi”.