Giá dầu rớt thảm hại, Việt Nam được và mất gì?
Đêm 12-1, giá dầu thế giới đã giảm phiên thứ 7 liên tiếp trong năm 2016, dầu thô WTI giảm 3,1% xuống 30,44 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc giá xuống 29,93 USD – mức thấp nhất từ tháng 12-2003. Trên thị trường London, dầu thô Brent cũng mất gần 0,7 USD, xuống 30,86 USD. Như vậy, chỉ mới hơn 10 ngày của năm 2016, giá dầu đã đánh mất tới 19% giá trị của mình.
Bộ Tài chính đã xây dựng nhiều kịch bản cho giá dầu. |
Bất chấp giá giảm, nguồn cung dầu thô trên thị trường dường như vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Lượng dầu lưu kho toàn cầu vẫn ở mức kỷ lục. Các nước xuất khẩu chính như Arab Saudi vẫn tiếp tục bơm dầu, trong khi đó, các nhà sản xuất dầu Mỹ đã tìm ra những phương thức mới giúp duy trì sản lượng kể cả khi phải cắt giảm chi phí đầu tư...
Kinh tế Việt Nam có thể thất thu, giảm tăng trưởng, giảm tăng đối với chứng khoán dầu khí do giá dầu giảm, nhưng lại được lợi ở một số cái khác. |
|
Với nền kinh tế Việt Nam, giá dầu giảm sẽ có tác động hai chiều. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tính toán nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu Tập đoàn giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của tập đoàn giảm 560 tỷ đồng.
Còn từ phía chuyên gia, TS Cấn Văn Lực- Giám đốc trường đào tạo BIDV tính toán, nếu bình quân cả năm, giá dầu ở dao động từ 40-50 USD/thùng thì Việt Nam xuất khẩu dầu thô vẫn có lợi. “Chi phí khai thác dầu là 27,5 USD/thùng. Theo PVN, nếu giá xuất khẩu ở mức 45 USD/thùng thì ta vẫn có lợi. Tuy nhiên, kịch bản giá dầu dường như đang có xu hướng về mức 20- 30 USD/thùng. Các chuyên gia quốc tế đã tính, nếu đồng USD tăng giá 1% thì giá dầu giảm khoảng 1 USD/thùng. Nếu đồng USD tăng 7-10% thì giá dầu cũng mất tương ứng 7-10 USD/thùng” ông Cấn Văn Lực nói và nhận định nhiều khả năng giá dầu có thể còn xuống mức 20-25 USD/thùng.
“Kinh tế Việt Nam có thể thất thu, giảm tăng trưởng, giảm tăng đối với chứng khoán dầu khí do giá dầu giảm, nhưng lại được lợi ở một số cái khác. Giá dầu giảm mặc dù gây thất thu ngân sách nhưng không phải quá quan ngại, song chúng ta cũng cần có những tính toán về kịch bản thấp hơn cho giá dầu, với mức 25-30 USD chẳng hạn”, ông Lực nói.
Bước sang 2016, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tác vẫn diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội thông qua dự toán ngân sách với giá dầu thô là 60 USD/thùng, nhưng ngay từ đầu năm đến những ngày gần đây thì giá chỉ còn ngưỡng 30 USD/thùng, bên cạnh đó việc cắt giảm lộ trình thuế quan 2016 theo các cam kết quốc tế cũng giảm thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là 2 yếu tố tác động trực tiếp vào tình hình ngân sách Trung ương năm 2016. “Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về giá dầu thô năm 2016 là 55 USD/thùng, 50 USD/thùng, 45 USD/thùng, 40 USD/thùng, 35 USD/thùng và đến nay là 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành ngân sách Nhà nước hợp lý cho năm 2016”.
“Giá dầu xuống 30 USD/thùng, thấp hơn dự toán 30 USD/thùng thì ngân sách bị tác động khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng năm nước ta đang sử dụng khoảng 14-16 triệu tấn xăng dầu, nên giá dầu giảm tương ứng đầu vào của nền kinh tế giảm khoảng 2,5-2,9 tỷ USD. Với việc giảm đầu vào như vậy, chúng tôi tin rằng đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn |