Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang phục hồi
Trong 5 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đổ vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Cả nước có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trải rộng suốt 18 ngành, lĩnh vực.
Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác. |
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với hơn 5,4 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với hơn 1 tỷ USD...
Không chỉ tăng về tổng vốn, nhiều dự án trị giá tỷ USD đã được cấp phép từ đầu năm tới nay. Tiêu biểu, tháng 3/2021, tỉnh Long An trao quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Long An I&II với tổng mức đầu tư 3,1 tỷ USD. Mới đây, Hải Phòng cũng vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng thêm 750 triệu USD cho Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) của Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam. Với tổng mức đầu tư lên đến 3,25 tỷ USD, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp (DN) FDI tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc có thêm một số dự án quy mô lớn, lại ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; Thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
“Các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ. Cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển.
Theo đó, Bộ KH&ĐT vừa ban hành quyết định bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời ban hành kèm 65 bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện. Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, DN, chủ đầu tư.