Việt Nam - “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao

Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:05
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư trên toàn cầu giảm tuy nhiên, lượng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam cùng với vốn thực hiện vẫn trên đà tăng. Điều đó cho thấy triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20-3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 524,3 triệu USD.

Việt Nam được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thu hút FDI quý I của Việt Nam vẫn tăng cao so với cùng năm trước, trong đó, vốn FDI giải ngân đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2020. Đây là kết quả khá tích cực.

Tuy nhiên, kết quả này chưa mang yếu tố bền vững bởi sự tăng trưởng chủ yếu tập trung vào tháng 3/2021, với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần đạt gần 5 tỷ USD. Nguyên nhân, trong tháng 3, có xuất hiện một dự án FDI lớn: Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, có tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải, phân phối, sản xuất điện tại tỉnh Long An, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 19/3, đã khiến dòng vốn FDI trong tháng 3 và quý I/2021 tăng mạnh.

Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Một yếu tố nữa trong thu hút FDI 3 tháng đầu năm, “chúng ta vẫn chỉ thu hút được các đối tác truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trong khi dòng vốn FDI đến từ Hoa Kỳ, châu Âu vẫn rất hạn chế… Do vậy, theo tôi, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm chưa có đột phá so với những năm trước đó”, ông Toàn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, sau đại dịch COVID-19 nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tăng mạnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Hòa Kỳ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%.

“Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định.

Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871.000ha. Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam, đây cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, hứa hẹn tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.

Lưu Hiệp
.
.
.