Doanh nghiệp bán lẻ trong nước gia tăng củng cố nội lực
Việc này cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn đối với DN phân phối trong nước. Để có thể cạnh tranh và đứng vững trên sân nhà, các DN nội đang từng bước củng cố vị trí, thay đổi phương thức vận hành để có thể bắt nhịp được với hội nhập cũng như làn sóng cạnh tranh từ các FTA này.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển khi EVFTA có hiệu lực. Khi Hiệp định EVFTA được thực thi, sẽ thúc đẩy các luồng vốn EU đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại nội địa.
Hệ thống phân phối hàng hóa trong nước gia tăng nội lực, hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng. |
Thời gian qua, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam thông qua các tập đoàn bán lẻ như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai gần, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là lý do khiến DN bán lẻ EU đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, các DN phân phối trong nước sẽ chịu áp lực gia tăng cạnh tranh rất lớn. DN trong nước quy mô còn nhỏ, năng lực hạn chế hơn rất nhiều so với DN đến từ EU, nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến lược phát triển bền vững thì nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, việc mở cửa thị trường nội địa sẽ tạo cơ hội cho DN và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân. Đồng thời, DN Việt có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý thương mại hiện đại từ EU… qua đó hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ được hiện đại hóa, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Trong bức tranh bán lẻ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trong bài toán thị trường thì DN phân phối Việt sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc củng cố lại nội lực của mình, xây dựng hệ thống và tìm phân khúc thị trường phù hợp.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho rằng, ngành bán lẻ dư địa phát triển rất lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt nhất là khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi. Nếu DN không đổi mới, tụt hậu thì nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn. Do vậy, để có thể cạnh tranh được trên sân nhà, Công ty bán lẻ BRG ngay từ ban đầu đã thực hiện những bước đi cụ thể và tìm những thị trường ngách để phát triển.
Đơn cử như việc mở rộng hệ thống bán lẻ, từng cửa hàng tiện lợi, nguồn hàng được ký kết với những DN, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn khép kín, đưa sản phẩm chất lượng với giá hợp lý tới tay người tiêu dùng. Trên thực tế, đối với hoạt động đầu tư FDI vào lĩnh vực bán lẻ siêu thị, trong gần 20 năm xuất hiện của BigC và Metro cũng đã tạo động lực để các Hệ thống bán lẻ nội địa “thử lửa” và tìm hướng đi riêng của mình để tồn tại và phát triển.
Trong những năm gần đây cho thấy sự thắng thế của các Hệ thống bán lẻ siêu thị trong nước. Do các hệ thống siêu thị trong nước hiểu rõ tâm lý, xu hướng tiêu dùng của khách hàng Việt Nam, đồng thời, học hỏi được kinh nghiệm quản lý và maketing của các Hệ thống bán lẻ FDI. Đặc biệt, các nhân sự người Việt Nam được đào tạo và làm việc các Hệ thống siêu thị nước ngoài sang làm việc tại các Hệ thống siêu thị trong nước cũng đã nâng cao trình độ tiệm cận với các siêu thị FDI.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông-Hà Nội) cho biết, hội nhập nhiều DN có vốn nhỏ, trình độ quản lý chưa cao sẽ gặp khó khăn.
Sự chủ động của các DN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hệ thống và tham gia vào chuỗi cung ứng đang được thực hiện một cách chuyên nghiệp hoá. Điều này cho thấy, cơ hội về thị trường đang được các DN phân phối nội tận dụng và khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực, ông Trần Duy Đông cho rằng, DN phân phối nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA; tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý, thị trường nhằm tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu.
Về góc độ quản lý nhà nước, trước hết cần chú trọng việc nghiên cứu nội luật hóa các cam kết của EVFTA để triển khai một cách có hiệu quả; tăng cường các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn về logistics hỗ trợ phát triển thương mại; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.