Doanh nghiệp bán lẻ Việt có nhiều cơ hội giành lại thị phần

Thứ Hai, 30/09/2019, 08:19
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự phát triển và cạnh tranh khốc liệt. Trước làn sóng mua bán sáp nhập giữa các nhà bán lẻ đình đám trong thời gian qua, thị trường đã có sự thay đổi khi một số nhà bán lẻ nội công bố thâu tóm một số hệ thống siêu thị và không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối theo xu hướng tiếp cận phục vụ tối ưu cho người tiêu dùng.


Với những diễn biến trên thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội đang có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá, giành lại thị phần.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt chiếm ưu thế

Hiện nay, trên thị trường bán lẻ đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt tại hệ thống phân phối nội địa, chính vì vậy, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ và còn tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo.

Theo Bộ Công Thương, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm 84%. Như vậy, kênh bán hàng của các DN Việt vẫn chiếm đến 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay.

Phát triển thị trường “ngách” là một lựa chọn khôn khéo đối với các DN bán lẻ Việt.

Dù hệ thống bán lẻ của các DN “nội” chủ yếu chiếm lĩnh ở mô hình siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi…, song mô hình này lại ngày càng có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam. Đây là cơ hội để các DN “nội” giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.

Mới đây, trang Fanpage Siêu thị VinMart trên Facebook đã thông báo chuỗi siêu thị Queenland Mart (thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Bông Sen) chính thức sáp nhập vào hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán thành 120 siêu thị trên toàn quốc.

Tính cả VinMart+, Tập đoàn Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị đồ sộ lên tới 2.122 điểm. Việc liên tục triển khai các sự kiện mua bán, sáp nhập đã giúp hệ thống phân phối bán lẻ của VinMart phủ sóng đến khắp các khu dân cư, chiếm lĩnh thị trường và phục vụ người tiêu dùng.

Trước đó, khi chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp) rút khỏi thị trường Việt Nam thì Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng tuyên bố đã mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị này. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ phát triển thêm khoảng 300 điểm bán mới, nâng tổng số điểm bán trên cả nước lên 1.000 điểm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, sự phát triển của VinMart, Saigon Co.op… không chỉ có ý nghĩa trong việc mở rộng thị phần bán lẻ của kênh phân phối Việt, mà còn giúp hình thành nên các tập đoàn, DN bán lẻ lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; đồng thời, tạo ra quy chuẩn để nâng cao chất lượng của các sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản.

Trước diễn biến của thị trường bán lẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện đang có xu hướng tích tụ trong bán lẻ. Theo thực tế, trong khoảng 4-5 năm gần đây, xu hướng mua bán sáp nhập liên doanh liên kết nở rộ trong lĩnh vực bán lẻ từ đó đã xuất hiện những tập đoàn bán lẻ mạnh mẽ qua tích tụ tập trung một thời gian.

Họ có sức cạnh tranh cao trên thị trường và cả những sức ép đầu vào và đầu ra của giá cả, chất lượng hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng và tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho mình. Những vụ mua bán lớn của các tập đoàn Central Group và TTC của Thái Lan đối với Metro. Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go, Saigon Coop với Auchan, v.v... là những ví dụ điển hình của hiện tượng này trên thị trường Việt Nam gần đây.

“Những DN có thế mạnh chắc chắn sẽ hình thành những tập đoàn bán lẻ lớn dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và cuộc đua ngày càng quyết liệt hơn, những DN nhỏ bé quản trị doanh nghiệp kém, thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn thua lỗ, tất yếu sẽ dẫn tới bị thôn tính, sáp nhập và phá sản, mất thương hiệu trên thị trường”, ông Phú nhấn mạnh.

Lựa chọn thị phần “ngách” để phát triển bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, giai đoạn 2019-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ trong nước. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại và truyền thống, đòi hỏi DN bán lẻ phải nỗ lực hơn để giành thị phần.

Đơn cử, tiêu thụ hàng hoá tại chợ truyền thống rất lớn, hiện nay chợ vẫn đóng vai trò rất quan trọng và kênh truyền thống này vẫn phục vụ 75% doanh số mua bán trên thị trường. Thống kê cho thấy, trên toàn quốc có 20% là chợ loại 1 và loại 2 trong tổng số 8.000 chợ, còn lại hầu hết là loại 3.

Để không bị “thua” trên sân nhà, nhiều DN Việt đang từng bước chinh phục khách hàng, lựa chọn hướng đi riêng biệt để thu hút khách. Bởi cơ hội là có nhưng tận dụng những cơ hội đó mỗi DN đều có xu hướng, chiến lược riêng.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (Tập đoàn BRG), cạnh tranh của các nhà bán lẻ Việt trong cuộc đua với các đại gia nước ngoài hiện không chỉ dừng lại ở giá, mà cần phải hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh… để có thể giữ vững được thị phần, không bị đối thủ ngoại “lấn sân”.

TS.Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, các DN bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được DN FDI về vốn và quy mô. Nhưng phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn thích cách mua sắm nhanh, tiện lợi, do đó việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường “ngách” là một lựa chọn khôn khéo đối với các DN bán lẻ Việt.

Việc phủ sóng rộng và phục vụ ngày một chuyên nghiệp tốt hơn các hệ thống siêu thị của DN Việt đã thu hút và níu chân khách hàng. Bên cạnh đó, việc tập trung hợp tác với các vùng, địa phương và người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản cũng góp phần thúc đẩy chi tiêu và mua sắm của người dân.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho DN bán lẻ “nội”, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng với thị trường thế giới, rất cần các cơ quan chức năng tập trung vào những khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường, cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa.

Cụ thể, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, giảm thuế thu nhập DN cũng như các loại thuế khác…

Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững trong hệ thống phân phối cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng, tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước.

Giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý và những đợt “giải cứu hàng hóa” đã xảy ra thời gian vừa qua, một khi nguồn cung đã dồi dào và công nghiệp chế biến hàng hóa chưa phát triển.

Làm tốt quy hoạch chính là giải quyết tốt bài toán thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh, và sức tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu bán lẻ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay ở thị trường nội địa.

Phan Đức
.
.
.