Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng ưu đãi từ EVFTA?
Đặc biệt, trong bối cảnh hậu COVID-19, xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam chưa kịp hồi phục, EVFTA được xem như là cứu cánh trong giai đoạn này...
“EU là khối kinh tế gồm 27 nước, lớn thứ 2 thế giới với 500 triệu dân, GDP 18.000 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam và EU là hai nền kinh tế bổ sung, hỗ trợ cho nhau, ít cạnh tranh nhau nên đây sẽ là cơ hội cho DN Việt. Chẳng hạn, lợi thế của Việt Nam là nông sản nhiệt đới mà EU không sản xuất được”, đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Dệt may là ngành được hưởng lợi lớn từ Hiệp định EVFTA, nhưng khó tận dụng được ưu đãi do chưa chủ động được nguyên liệu. |
Đối với xuất khẩu (XK) của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu (NK) vào EU (tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ tiếp tục xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế NK (tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam). 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ xóa bỏ thuế NK sau một lộ trình ngắn (7 năm).
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các Hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng sẽ là cơ hội để DN Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch COVID-19.
Nói về Hiệp định EVFTA, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty XNK Nông sản Thái Sơn (quận 7) băn khoăn: “Ngành nông sản được đánh giá là một trong những ngành sẽ được hưởng ưu đãi nhiều nhất theo Hiệp định EVFTA. Nhưng từ trước đến nay, hàng nông sản của Việt Nam XK vào EU không nhiều, do EU có nhiều quy định nghiêm ngặt về chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc...
Chính vì vậy, để DN tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, thì cơ quan chức năng phải hướng dẫn cụ thể cho DN. Chẳng hạn, đối với từng loại mặt hàng cụ thể, thì DN sẽ có bước chuẩn bị gì?, làm như thế nào?. Cơ quan chức năng phải có vai trò dẫn dắt, định hướng DN và DN cứ theo đó mà làm, chứ tự một mình DN làm rất khó”.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Giám đốc một công ty may ở quận 12 cho rằng: “Để được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA, ngành may mặc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, đảm bảo yếu tố môi trường, lao động... Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu may mặc phải nhập khẩu, không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Nhiều DN trong ngành cũng không đáp ứng được hệ thống xả thải, yêu cầu về lao động. Vì vậy, để được hưởng ưu đãi thuế thì DN dệt may còn nhiều việc phải làm”.
Nhiều các DN cho rằng, không dễ tận dụng được những ưu đãi vì những yêu cầu của EU quá khắt khe như: yêu cầu về môi trường, lao động... “Tôi nghĩ DN sẽ khó đáp ứng ngay, nhưng sau đó sẽ bổ sung. Vì nếu chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu thì sẽ không XK được. Tôi nghĩ phải xem đây là cơ hội để ta tự thay đổi, tự lớn lên, chứ không nên nghĩ rằng đó là rào cản. Chúng ta phải mạnh lên chứ không yếu đi”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam chưa sâu. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa… Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, mặc dù EVFTA mở ra cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, nhưng không phải ngành hàng thế mạnh nào của Việt Nam cũng tận dụng được những ưu đãi từ EVFTA. Điển hình, một số mặt hàng dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao, sẽ đưa về 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng dệt may hiện đang phải chịu thuế từ 7-17%, khi thuế về 0% thì XK của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA).
Tuy nhiên, ngành dệt may, da giày lại gặp khó khăn về xuất xứ đầu vào, bởi hiện nay EU đòi hỏi đầu vào phải từ vải (vải là của Việt Nam phải có hàm lượng tối thiểu). Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc 60%. Như vậy, DN trong nước cần phải chuyển hướng tự đầu tư vào các sản phẩm dệt, sản xuất ra vải để đáp ứng yêu cầu của EU, thì khi đó DN Việt Nam xuất khẩu vào EU dễ dàng. Tương tự như vậy đối với ngành da giày; hay ngành đồ gỗ, EU cũng yêu cầu DN Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu và gỗ phải là gỗ rừng trồng chứ không phải rừng tự nhiên...
Còn với mặt hàng nông sản, XK của Việt Nam sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch XK mặt hàng này của Việt Nam. Đặc biệt, trái cây nhiệt đới là thế mạnh của Việt Nam khi XK vào thị trường EU. Tuy nhiên, cần lưu ý là EU có các quy định VSATTP rất khắt khe. Vì vậy, chúng ta phải làm ngay vấn đề này từ người nông dân, phải ghi chép đầu đủ các thông tin về nguồn gốc giống, từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch, đảm bảo được quy trình truy xuất nguồn gốc. Nếu sản phẩm của Việt Nam vào được thị trường EU thì sẽ vào được tất cả thị trường trên thế giới.
“Với Hiệp định EVFTA, những mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới như: gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... sẽ được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định về rào cản kỹ thuật cũng như VSATTP đã được cam kết trong EVFTA. Theo lộ trình, đến một lúc ta giảm thuế 100%, khi đó toàn bộ nông sản của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU, ta có thể tham gia hợp tác với các DN EU, tham gia vào chuỗi giá trị mời họ đến để hợp tác canh tác với chúng ta, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản XK”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.