Hiệp định EVFTA - cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam tăng tốc hậu COVID-19

Thứ Hai, 25/05/2020, 07:48
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó, doanh nghiệp Việt cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, nhiều ngành hàng bị giảm, cắt, trì hoãn đơn hàng. 


Tại thị trường EU cũng bị tác động mạnh nhất là nhóm ngành hàng may mặc, ngành gỗ…, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi đại dịch đi qua, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tăng lên, cộng với việc EVFTA đi vào thực thi, sẽ giúp nhịp sản xuất, xuất khẩu được khôi phục lại.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sau dịch ngành thủy sản xuất khẩu sẽ có những cơ hội nhất định. Đặc biệt, khi EVFTA được thực thi doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.

Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt vào EU.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) lạc quan cho rằng, sau đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội. Bởi, về cầu thì trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn. Bên cạnh đó, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên.

Đặc biệt, EVFTA mang đến cơ hội lớn nhất là thuế quan, giúp hàng hoá cạnh tranh hơn về giá. Trong khi đó, khó khăn mà COVID-19 gây ra cho thương mại là làm giảm nhu cầu, tăng tính cạnh tranh ở nguồn cung. Do đó, khi EVFTA đi vào thực tế thì lợi thế về giá giúp Việt Nam tăng thế trong việc cung ứng hàng hóa, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, da giày, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh. Hiệp định góp phần hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới.

Với tư cách là một trong những nước phát triển đầu tiên, Việt Nam có được hiệp định thương mại tự do với EU. Do đó, Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để trở thành một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Từ đó, quan hệ thương mại, đầu tư và cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác được xây dựng mức cao hơn với EU.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, WB ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 - 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, với những cải cách kinh tế và thể chế toàn diện sẽ tạo ra “cú hích năng suất”, giúp GDP tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030.

Khi EVFTA đi vào thực thi, theo WB, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì sản phẩm của Việt Nam nói chung còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác, chẳng hạn 62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực ôtô. Do vậy, cần phải tăng cường nỗ lực để cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu.

“Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để gặt hái đầy đủ lợi ích của Hiệp định EVFTA”, WB khuyến nghị.

Lưu Hiệp
.
.
.