Điện lực Thái Nguyên “chuyển đổi số” trong công tác kiểm soát an toàn lao động

Thứ Tư, 28/10/2020, 08:41
Cùng với tăng cường giải pháp về tập huấn, tuyên truyền ATLĐ đối với người lao động nói chung, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã triển khai áp dụng phần mềm kiểm soát an toàn bằng hình ảnh nhằm hướng đến xây dựng văn hóa an toàn trong ngành.


Theo báo cáo của Phòng An toàn PC Thái Nguyên thì 1 ngày làm việc trên lưới điện của Công ty có từ 150-250 đầu công việc với số lượng người tham gia vào khoảng 400-500 công nhân.

Những năm trước đây, việc đảm bảo an toàn cho người lao động tại hiện trường phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người lao động và một phần kiểm tra đôn đốc của các cấp quản lý trực tiếp tại hiện trường. Tuy nhiên quy trình này vừa tốn thời gian, công sức di chuyển vừa tốn kém chi phí đi lại trong khi số cán bộ làm công tác an toàn lại có hạn nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do vẫn còn các trường hợp người lao động làm tắt làm ẩu.

Một nhóm công tác của Điện lực TP Thái Nguyên đang triển khai phổ biến công việc.

2 năm gần đây, với việc triển khai phần mềm ECP (giám sát an toàn bằng hình ảnh), đã cập nhật toàn bộ hình ảnh có liên quan đến các bước chấp hành điều kiện ATLĐ của các nhóm công nhân tại mỗi phiên làm việc trong ngày. Đảm bảo thực hiện đúng và đủ các bước trước, trong và sau khi công việc kết thúc như: Chuẩn bị rời trụ sở, đến nơi làm việc và thực hiện công việc bắt buộc phải chụp ảnh gửi lên phần mềm ECP. Thông qua đó, các cấp quản lý từ Điện lực, Công ty, Tổng công ty dễ dàng kiểm soát các quy định bắt buộc đối với công nhân như phải mang theo hồ sơ phiên làm việc (phiếu công tác, phương án tổ chức thực hiện); sử dụng các thiết bị bảo hộ (găng tay, đai an toàn, sào thao tác...) trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp an toàn như cắt điện tiếp địa, treo biển báo…

Thông qua phần mềm ECP, người quản lý dễ dàng kiểm soát được về nhân lực (Các bức ảnh chụp có định vị, thời gian gửi) và tiến độ thực hiện công việc (thời gian triển khai các bước thực hiện ngoài hiện trường). Kịp thời phát hiện ra các sai sót, chấn chỉnh các sai phạm có thể dẫn đến rủi ro mất an toàn cho người lao động. Ngoài ra có thể phát hiện các tồn tại trong công tác quản lý vận hành như: Vi phạm hành lang, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn bị mờ, mất, các hiện tượng đấu tắt đấu chập trong các tủ 0,4 kV.

Sau 2 năm áp dụng phần mềm ECP, ý thức chấp hành ATLĐ của công nhân đã được nâng cao, hiện tại công việc đó đã không còn là trách nhiệm mà trở thành một thói quen. Hiện nay phần mềm ECP đang phát triển thêm các phân hệ mới giúp cho công tác kiểm soát trong quản lý vận hành được tốt hơn như: Phân hệ quản lý sự cố, phân hệ 5S, phân hệ quản lý dụng cụ an toàn, trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, quản lý các điểm đặc biệt, nguy cơ mất an toàn trên phần mềm PMIS. Như vậy việc ứng dụng phần mềm cũng như sử dụng thiết bị hiện đại trong quản lý vận hành sẽ góp phần làm giảm sự cố, đảm bảo an toàn cho lưới điện, con người.

Song song với việc đảm bảo an toàn điện cho người lao động thì PC Thái Nguyên cũng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền đảm bảo an toàn sử dụng điện trong nhân dân, nhất là mùa nắng nóng và mùa mưa bão từ công tác tuyên truyền trực tiếp tới người dân, bằng tờ rơi, tin nhắn zalo… 

Trung bình mỗi năm PC Thái Nguyên phát trên 32.000 tờ rơi tuyên truyền an toàn điện đến với các hộ sử dụng điện đặc biệt vói các hộ vùng sâu vùng xa khi kiến thức về an toàn trong sử dụng điện vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, PC Thái Nguyên tăng cường việc kiểm tra và chặt tỉa kịp thời cây trong và ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới điện, vận động bà con chặt tỉa cây nhằm đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão.

Quang Tùng

.
.
.