Để giữ hơn 80% hàng Việt tại thị trường trong nước
Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt trong thời gian tới, ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giữ hơn 80% thị phần hàng Việt tại thị trường trong nước…
Để sản phẩm hàng Việt có chất lượng, có thương hiệu, định vị được trong lòng người tiêu dùng (NTD) Việt, trong thời gian qua Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tăng cường vai trò “bà mối” để kết nốicác DN, các địa phương để đưa phẩm vào các hệ thống phân phối hiện đại. Đến nay, tại các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Big C/Go,Aeone, Lotte Mart…, thông qua “đầu mối” ITPC, đều có số lượng lớn sản phẩm của các DN, HTX đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp… đưa vào giới thiệu tại các hệ thống này, đặc biệt là hàng nông sản.
Là công ty chuyên sản xuất cà phê sữa hòa tan sử dụng đường ăn kiêng, bà Trần Thị Kim Tâm, Phó Giám đốc Công ty VN Fine Food cho biết, đây dòng sản phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe NTD với hương vị truyền thống Việt Nam. “Sản phẩm hiện nay tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhưng cạnh tranh rất khó khăn do đây là sản phẩm tiêu dùng phổ biến của người Việt, đã có quá nhiều thương hiệu nổi tiếng. Chính vì vậy, công ty muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị để dễ tiếp cận với hơn NTD”, bà Tâm thông tin.
Cũng là DN mới, thành lập đầu năm 2020, ông Võ Hoàng Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trái Cây (Tiền Giang) cho biết, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm trái cây sấy khô và bột rau, củ, trái cây 100% tự nhiên và nguyên chất. Các sản phẩm được chế biến đảm bảo giữ nguyên mùi vị đặc trưng của trái cây và không sử dụng chất bảo quản. Vì vậy, DN cũng chọn kênh siêu thị để tiếp cận các đối tác tiềm năng để tìm hiểu, thăm dò thị hiếu NTD, từng bước thâm nhập thị trường và phát triển kinh doanh.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm để được đưa vào hệ thống Satra. |
Thực tế thời gian qua, ngoài các siêu thị trong nước như Satra, Co.opmart, hầu hết các DN muốn đưa hàng vào các siêu thị nước ngoài như Big C/Go, Aeone, Lotte Mart… đều muốn vừa chinh phục khách hàng nội địa, đồng thời cũng hướng tới việc XK thông qua các hệ thống siêu thị ngoại này như XK sang Thái Lan thông qua siêu thị Big C/Go, XKqua Nhật thông qua siêu thị Aeone, XK qua Hàn Quốc thông qua siêu thị Lotte Mart …
Về phía siêu thị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngoài hỗ trợ DN đưa các loại hàng hóa vào hệ thống siêu thị, năm 2020, Saigon Co.op cũng đưa ra thị trường hơn 2 triệu khẩu trang y tế và hàng triệu chai gel rửa tay khô. Nhằm tạo đột phá cho hàng Việt trong mùa dịch, đơn vị đã ứng dụng công nghệ, phối hợp cùng nhiều đơn vị thương mại điện tử thực hiện các chương trình kích cầu hàng Việt trên ứng dụng điện tử. Năm 2021, Saigon Co.op phấn đấu doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8% - 10%, đồng thời mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025 để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đại diện ITPC cho biết, siêu thị là nơi tập trung đa dạng các mặt hàng chất lượng và là nơi ngày càng nhiều NTD tin tưởng lựa chọn, mua sắm. Chính vì vậy, đây đã trở thành kênh phân phối chính mà bất kỳ DN Việt Nam đều mong muốn tiếp cận. Sau kết nối thành công tại các siêu thị, trong tháng 5 tới, ITPC tiếp tục tổ chức chương trình kết nối, đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị Lotte Mart để hỗ trợ DN tiếp cận vào hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại hiện đại do Lotte Mart quản lý, để từ đó giúp DN định hướng được sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, tỷ lệ hàng Việt trong các kênh phân phối hiện đại duy trì ở mức cao như: Co.opmart chiếm 90%-93%, ở Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Liên quan đến Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới hơn 90% NTDvà DNViệt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam; 70% DNtham gia phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. 100% địa phương nhân rộng mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của DN nhỏ và vừa, HTX, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước…
Để phát triển thị trường trong nước, đồng thời giữ thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối, Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách chủ yếu, gồm: hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước; hỗ trợ DNtiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ NTD…
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tới người dân, tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại lợi ích NTD...