ĐBSCL khô cạn vì chuỗi thủy điện trên dòng Mekong
- Các quốc gia cùng có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công
- Chuẩn bị khánh thành thủy điện lớn cuối cùng của đất nước
- Mưa to, thủy điện tiếp tục xả lũ lớn khiến hạ du lại ngập sâu
- Bất cập trong vận hành xả lũ hồ thủy điện
Nằm trong kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ nguồn sông Mekong, sau thủy điện Xayaburi và Don Sahong, Chính phủ Lào đang tiếp tục khởi động việc xây dựng thuỷ điện Pak Beng bằng việc đệ trình dự án lên Ủy hội sông Mekong (MRC). Việc tham vấn dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm 2017.
Thuỷ điện Pak Beng dự kiến được khởi công trong năm 2017, là một trong năm dự án thuỷ điện dòng chính của vùng Bắc Lào, thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay. Công suất của Pak Beng vào khoảng 912 MW, sản xuất điện trung bình là 4.775 GWh/năm. Công trình dự kiến hoàn tất vào năm 2023 và đưa vào hoạt động thương mại từ năm 2024. Theo kế hoạch, 90% sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Thái Lan, 10% còn lại sẽ do Tập đoàn Điện lực của Lào phân phối nội địa.
Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn được xây dựng. |
Pak Beng được thiết kế bởi một công ty của Trung Quốc là Datang Overseas Investment Co., Ltd., qua một thỏa thuận ký kết giữa Lào và Trung Quốc diễn ra từ tháng 8 năm 2007, với trị giá ban đầu 1,88 tỉ USD. Đến tháng 3-2014, Công ty Datang nhận được giấy phép môi trường từ Chính phủ Lào. Như vậy, đây là thủy điện thứ 3 Lào xây dựng trên dòng chính Mekong sau Xayabury và Don Sahong, bất chấp phía Ủy hội sông Mekong liên tiếp đưa ra cảnh báo.
Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong, đập Pak Beng có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực cao nhất tới người nghèo so với các đập dòng chính hạ nguồn. Đập này sẽ ảnh hưởng 8 huyện ở Lào (trong đó có 7 huyện được xếp hạng nghèo hoặc rất nghèo). Ước tính số người phải di dời do xây dựng đập là 6.700 người. Pak Beng sẽ làm ngập 1.657 ha đất nông nghiệp ở Bắc Lào.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, nguyên Trưởng nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong cho biết: "Đập Pak Beng là đập dâng, có chế độ vận hành theo ngày, dự kiến hoạt động khoảng 8-12 giờ/ngày. Tuy nhiên, đối với những năm khô hạn, đập này có khả năng lưu nước đến 1,5 ngày. Cùng với các đập khác trong hệ thống chuỗi 11 đập, nước có thể bị trữ lại từ 3 ngày đến 3 tuần. Như vậy, trong những năm khô hạn, lượng nước về ĐBSCL sẽ chậm từ một đến vài tháng, làm gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô".
Theo vị chuyên gia này, việc thiếu phù sa sẽ gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ĐBSCL, điều này sẽ không có giải pháp nào thích ứng. Việc thiếu phù sa cũng ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp.
“Ngay từ lúc này, Việt Nam cần ý thức rằng nguồn phù sa trong tương lai sẽ rất hạn chế và phân bón sẽ không thể thay thế được phù sa. Trong mùa khô hạn, các đập sẽ làm cho tình hình thêm tồi tệ vì tổng thời gian lưu nước kéo dài hơn 1 tháng. Như vậy, ĐBSCL sẽ khó canh tác trong mùa khô. Việc canh tác 3 vụ/năm như hiện nay cũng phải giảm dần vì điều này đang làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Khi giảm canh tác, an ninh lương thực quốc gia sẽ bị ảnh hưởng” – Th.S Thiện nói.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nói: “Việc Lào tiếp tục xây dựng thuỷ điện thứ 3 trên dòng chính Mekong không làm nhiều người bất ngờ. Ngay từ khi quy trình thông báo và tham vấn còn chưa được thực hiện, Chính phủ Lào đã cấp giấy phép môi trường cho Công ty Datang. Việc tiếp tục xây dựng thuỷ điện trên dòng chính Mê Công chứng tỏ sự bất lực và thiếu hiệu quả của Hiệp định Mekong 1995. Cùng với các con đập đang được xây dựng, đập Pak Beng sẽ chặt đứt tính liên tục và sự kết nối của dòng chảy sông Mê Công, đẩy các quốc gia ở hạ nguồn đối mặt với quan ngại thực sự về nguồn nước, nguồn phù sa, nguồn cá và nguồn sống. Bên cạnh việc xây dựng hàng loạt thuỷ điện tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hoạt động xây đập của Lào sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các quốc gia hạ du sông Mê Công, trong đó có Việt Nam”.
Là nhà khoa học có trên 40 năm gắn bó với ngành thuỷ lợi, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam nhấn mạnh: “Trong tương lai, dòng sông Mekong sẽ chết. Về mùa khô, các đập tích nước lại, không còn nước về hạ du. Về mùa lũ, các đập xả ồ ạt khiến lũ chồng lũ. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy ở ĐBSCL khoảng 6.000m³/s. Thế nhưng, khi Lào làm xong thủy điện, mùa kiệt sẽ chỉ còn vài trăm m³/s trong khi lưu lượng tối thiểu cần là 2.000m³/s”.
Theo GS Vũ Trọng Hồng: “Cách duy nhất chúng ta có thể làm là tự cứu mình. Việt Nam là nước nằm ở hạ lưu dòng Mekong, dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể phản đối các nước vùng Mekong xây thủy điện vì không có văn bản pháp lý nào ràng buộc. Nhưng ngay từ lúc này, Việt Nam cần phải có phương án trữ nước cho ĐBSCL. Trong mùa lũ, nước về ĐBSCL rất nhiều, ta phải tích nước lại để sử dụng cho mùa kiệt. Muốn vậy, cần phải khôi phục tính năng trữ nước của hai túi nước tự nhiên là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, ĐBSCL cũng cần thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch canh tác để phù hợp với tình trạng khan hiếm nước trong mùa khô”.