Có thất thu thuế từ “thương vụ trăm tỷ” lan đột biến?
- "Lan đột biến" và những chiêu lừa tiền tỷ
- "Lướt sóng" lan đột biến và cái kết đắng
- Giật mình với những phiên mua bán, đấu giá lan đột biến
Thực hư của việc giao dịch này còn đang đợi xác minh, nhưng câu chuyện thu thuế và (nguy cơ) rửa tiền đang được đặt ra. Chuyện mua bán những giò lan đột biến (lan var) lên đến hàng tỷ đồng đã là chuyện bình thường từ năm ngoái. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện giao dịch và giá trị thật của lan var đã được nhiều người bàn tán.
Thế nhưng, sốc nhất là ngày 15/3, trên facebook của một cá nhân đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ (Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh). Tổng giá trị giao dịch này là 288,5 tỷ đồng, trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng ở Hà Nam với giá 18.888.888.888 đồng.
Những giao dịch này, khi đăng tải trên mạng xã hội đều có hình ảnh đi kèm để chứng minh tính xác thực. Điều đáng nói, đó tất cả những giao dịch này được thể hiện qua hình ảnh cho thấy các giao dịch đều được trao đổi bằng tiền mặt, với hàng trăm cọc tiền được dựng cao thành “mét”, dài như… bức tường. Trước những giao dịch “khủng” này, nhiều người hoài nghi cho rằng đây là mức giá phi lý, không thực tế, thậm chí có thể là chiêu trò "thổi" giá…
Trên thực tế, Cục Thuế tỉnh Hà Nam cũng đã khẳng định, qua xác minh ban đầu, 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh trắng có giá gần 19 tỷ đồng nêu trên là giả, các đối tượng bằng các kênh khác nhau đưa thông tin nhằm phục vụ các mục đích của họ.
Tương tự, UBND thị xã Đông Triều đã có văn bản đề nghị Công an thị xã chủ trì, phối hợp Chi cục Thuế Đông Triều, UBND địa phương có liên quan vào cuộc xác minh thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng. Qua xác minh ban đầu, phía nhà vườn cũng cho biết, toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng, không xác nhận việc mua bán(!?).
Tuy nhiên, trước hiện tượng này, nhiều câu hỏi cũng đã đặt ra: Nếu các giao dịch là có thực, thì liệu một cây lan có thể có giá lên tới hàng trăm tỷ đồng hay không? Liệu có hay không mục đích rửa tiền đằng sau các thương vụ giao dịch này?
Bên cạnh đó, một khía cạnh khác cũng được dư luận đặt ra là với các giao dịch mua bán lan lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ như trên, nếu có thật thì việc thu thuế sẽ ra sao. Điều này càng được củng cố khi mới đây, Cục Thuế tỉnh Sơn La cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Theo đó, Cục Thuế Sơn La cho hay, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa phong lan đột biến gen có giá trị lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, thành phố chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa phong lan đột biến gen.
Từ phía cơ quan quản lý thuế cao nhất, đại diện Tổng cục Thuế trước đó cũng cho biết, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ từng gây rúng động dư luận trong năm ngoái đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.
Trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết việc mua bán trao đổi lan đột biến là 1 hoạt động kinh tế phát sinh nhưng chưa biết tính xác thực. Cơ quan thuế là thành viên của Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại đang phối hợp để rà soát xem tính xác thực của các giao dịch. Nếu các giao dịch này là có thật thì căn cứ vào hợp đồng kinh tế, yêu cầu kê khai và thu thuế theo quy định. Cho biết thêm về chính sách thuế, ông Huy khẳng định có 2 trường hợp. Thứ nhất, về chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách thuế là sản phẩm do người nông dân trồng trọt chăn nuôi, sản phẩm không qua sơ chế như trồng cây thì không phải nộp thuế. Còn nếu mua đi bán lại kinh doanh thì phải nộp thuế.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế làm từ nhiều năm nay, không phải chỉ mỗi mặt hàng lan đột biến. Còn hiện nay, lan đột biến lại rộ lên theo từng đợt, nên việc của cơ quan thuế là sẽ theo dõi các thương vụ này để xác định việc thu thuế.
“Về mức thuế, nếu đối tượng giao dịch là cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại, thì theo quy định, các cá nhân sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng mức 1% và thuế thu nhập cá nhân là 0,5% trên tổng giao dịch. Đối với trường hợp doanh nghiệp, mức thuế phải nộp là 20% trên tổng số lợi nhuận, cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng giá trị đầu vào”, ông Huy cho biết.