Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Vì sao chậm trễ?

Thứ Năm, 08/08/2019, 10:27
Tính đến năm 2018, mới chỉ có 50 trong tổng số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển thành công ty cổ phần (CTCP). Đây là con số gây chú ý được Bộ Tài chính thông báo tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 5-8.


58 nghìn ĐVSNCL với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người, không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn phong phú, đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động với 5 loại: Đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Đơn vị thuộc Tổng cục, Cục; Đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh; Đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; Đơn vị thuộc UBND cấp huyện.

Năm 2016, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1-11-2016 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành TW đã quyết nghị về chủ trương chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến năm 2018 số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

Người lao động trong ĐVSNCL chuyển đổi sẽ được mua cổ phần với giá ưu đãi.

Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thiếu cơ sở pháp lý. Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh như: Chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

Chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này; Chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; Chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL;

Chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSNCL thành CTCP dẫn chiếu tới quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và doanh nghiệp là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi DNNN thành CTCP có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị...

“Với hàng loạt khó khăn, vướng mắc này, việc ban hành Nghị định chuyển ĐVSNCL thành CTCP là điều cần thiết”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh. Dự kiến nội dung Nghị định sẽ gồm 9 chính sách lớn gồm về đối tượng ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP; điều kiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP; hình thức chuyển đổi ĐVSNCL; xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL; xác định giá trị ĐVSNCL; đối tượng và điều kiện mua cổ phần; quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP; các chính sách ưu đãi đối với ĐVSNCL và người lao động khi chuyển ĐVSNCL thành CTCP; và quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chuyển đổi.

Riêng về chính sách ưu đãi cho ĐVSNCL chuyển đổi, đại diện Bộ Tài chính cho biết các đơn vị sẽ được hưởng các ưu đãi về lệ phí trước bạ theo quy định của Luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn; Được ký lại các hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật.

Đối với công trình phúc lợi là nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi thì chuyển giao cho tổ chức công đoàn tại CTCP quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong CTCP. Ngoài ra, được áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của Chính phủ.

Đáng chú ý, những người lao động trong ĐVSNCL chuyển đổi sẽ được mua cổ phần với giá ưu đãi. Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được mua thêm cổ phần.

Ngoài ra, người lao động sẽ được chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi; được hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành nếu đã có đủ điều kiện tại thời điểm công bố giá trị ĐVSNCL; được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định hiện hành khi chuyển sang CTCP; được hưởng các chính sách về lao động dôi dư theo quy định...

Hà An
.
.
.