Chính phủ đã xử lý những vụ việc cụ thể, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh
- WB dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6%
- Kinh tế Việt Nam bắt đầu chu kỳ phục hồi mới
- Nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh
PV: Với các chỉ tiêu của tháng 1 vừa mới kết thúc, ông có thể nói gì về kinh tế Việt Nam năm 2017?
TS Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam có tính mùa vụ rất rõ, nước nào cũng vậy, nhưng tính chất này ở Việt Nam thể hiện rõ ràng hơn: Đầu năm thì ăn chơi, tiêu dùng; quý IV bao giờ cũng thường tăng trưởng cao hơn tất cả các quý trước. Thường sắc thái, chuyển động kinh tế chỉ rõ nét hơn sau 3 tháng. Nếu nhìn số liệu chỉ 1 tháng thì khó nói. Tính thời vụ không chỉ ở khác biệt đầu năm – cuối năm, mà còn thể hiện ở Tết rơi vào tháng Giêng hay tháng Hai, nếu rơi vào tháng nào thì chỉ số công nghiệp tháng đó giảm mạnh, trong khi lạm phát bao giờ cũng dâng lên do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Ông Võ Trí Thành. |
PV: Hiện một số người có vẻ phản ứng tiêu cực trước việc chỉ số lạm phát tháng 1 quá cao và lo ngại về khả năng giữ mức lạm phát kế hoạch trong năm nay.
TS Võ Trí Thành: Thực tế thì lạm phát tháng Giêng, tháng Hai cộng lại thường đều là 1% - 2% cả, cho nên 0,56% không phải cái gì đột biến. Tuy nhiên, có thể thấy rằng năm nay có 2 cái lo ngại hơn: Thứ nhất, giá cả bên ngoài có xu hướng tăng lên, đã phản ánh trong mức lạm phát 0,56% và có thể tiếp tục. Thứ hai, một số mặt hàng thuộc Nhà nước kiểm soát sắp tới phải điều chỉnh giá, ví dụ dịch vụ y tế, điện. Những điều này gắn với một số dự báo là mức lạm phát 4% năm nay thực hiện có phần khó khăn. Đó là chưa nói đến khi đồng Việt Nam có xu hướng mất giá thì cũng có những tác động nhất định vào chỉ số giá tiêu dùng và áp lực của mức tăng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
Tháng trước, FED tăng lãi suất, đồng USD tăng giá, một số đồng tiền trong rổ tính toán tỷ giá của Việt Nam hay đồng tiền của một số đối tác thương mại quan trọng mất giá, gây ra một áp lực rất cao đối với tỷ giá Việt Nam.
Mặc dù xu hướng kia vẫn còn cao, nhưng gần đây, một xu hướng khác, tạm gọi là “dễ thở” hơn cho điều hành tỷ giá là đồng USD có vẻ đang trong giai đoạn ngập ngừng. Một phần do xu hướng tích cực của nền kinh tế Mỹ; FED vài ngày trước đã tuyên bố nếu có tăng lãi suất năm nay cũng sẽ từ từ và còn phải nghe ngóng những chính sách của Tổng thống Trump – mà ông này gần đây luôn nhắc một ý là đồng USD mạnh quá và nước Mỹ không nên có đồng USD mạnh như thế.
Như vậy, có tín hiệu của việc đồng USD sẽ không mạnh lên, giảm áp lực vào tỷ giá Việt Nam. Tất nhiên, ta còn phải theo dõi. Tóm lại, dấu hiệu tháng Giêng và một số điều đã phân tích cho thấy phải thận trọng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trước cả những áp lực trong nước và nước ngoài. Có một câu, nói không phải cho hay đâu, mà thực sự theo dõi sát tình hình và điều hành linh hoạt là rất quan trọng.
PV: Lại nói về mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay, nhiều người lo ngại về khả năng đạt được, khi nhiều dự báo, như của Ngân hàng thế giới, cho rằng Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 6,3%.
TS. Võ Trí Thành: Mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội thông qua so với đa số những dự báo gần đây đều cao hơn. Các dự báo thường đưa ra cỡ khoảng 6%-6,5%, và mức nhiều dự báo hơn cả là quanh 6,3%. Trong tình hình hiện nay, tăng trên 6% là chấp nhận được.
Vì sao mục tiêu 6,7% so với dự báo thì được cho là ít nhiều tham vọng? Có mấy lý do. Thứ nhất là kinh tế thế giới mặc dù được dự báo có bước phục hồi, nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Tăng trưởng thương mại thế giới vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó là rất nhiều bất định và rủi ro về địa chính trị, tài chính, dòng vốn, tỷ giá... và sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ - trong khi nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở. Gắn với chủ nghĩa bảo hộ là một loạt các hiệp định: NAFTA đàm phán lại, TPP thì Mỹ đã tuyên bố rút hay hiện tượng Brexit.
Với bối cảnh như thế, mà Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư, trong đó có FDI, nền công nghiệp chế biến có mức độ định hướng xuất khẩu rất cao. Ngoài ra, một khu vực vài năm gần đây đóng góp tương đối tốt cho tăng trưởng là xây dựng có thể không còn hứng khởi do khó khăn về ngân sách và nỗ lực của Nhà nước trong việc nắn dòng tiền vào bất động sản.
Du lịch có thể là một điểm rất sáng, tiềm năng rất lớn, nhưng với kết cấu hạ tầng này, không dễ để thu hút được nhiều khách cũng như cung cấp được những dịch vụ để người ta tăng chi tiêu. Ngành khoáng sản mặc dù giá cả có phục hồi nhưng không phải mạnh lắm, còn phụ thuộc vào bất định của tăng trưởng kinh tế thế giới. Đấy là những lý giải khó khăn cả bên cung và cầu.
Tuy nhiên, cũng có những điểm mà kinh tế Việt Nam nếu tận dụng tốt, cộng với một chút may mắn, cùng với nỗ lực thì việc đạt 6,7% vẫn là có thể. Thứ nhất là nông nghiệp có thể đóng góp lớn hơn. Thứ hai, dù kỳ vọng về TPP không còn được như trước nữa thì mức độ hội nhập Việt Nam vẫn còn sâu rộng, và nếu tận dụng tốt các FTA khác, vẫn có thể thúc đẩy được phát triển nhiều lĩnh vực.
Đơn cử mặt hàng rau, củ quả, năm ngoái lần đầu tiên vượt cả gạo về xuất khẩu, cho thấy đây là một tiềm năng rất lớn. Một điều nữa là cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), mà cái đó trong tầm tay có thể làm được. Nếu cải cách tốt thì tiềm năng, nguồn lực trong dân còn lớn. Vấn đề là người ta có kỳ vọng tốt vào phát triển không. Nếu không thì đồng tiền đó người ta đi tìm hầm trú ẩn chứ không đầu tư. Tất cả điều đó, cùng sự khéo léo về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa – mà dư địa khá hạn hẹp, thì mức chênh lệch giữa dự báo và mục tiêu cũng không phải không thể vượt qua.
Lấp khoảng cách giữa dự báo và mục tiêu cũng có ý nghĩa không nhỏ, vì đằng sau đó là thu nhập, là việc làm của rất nhiều người, nhưng cái quan trọng hơn con số là đạt bằng cách gì và đạt như thế nào. Theo nghĩa ấy, thì mục tiêu số 1 không phải răm rắp đạt kế hoạch tăng trưởng, mà phải là đạt với chất lượng tăng trưởng, năng suất, khả năng cạnh tranh của DN được cải thiện. Muốn như vậy thì phải cải cách bộ máy nhà nước, tái cấu trúc DN nhà nước, ngân hàng, đầu tư công, nông nghiệp... nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính.
PV: Năm đầu tiên của Chính phủ mới, câu chuyện cải cách được nhắc đến một cách sôi nổi. Đằng sau điều đó, ông đã thấy có những thay đổi thực sự gì?
TS Võ Trí Thành: Chính phủ mới đã làm được 2 điều. Thứ nhất, thông điệp rất mạnh mẽ, rõ ràng về đẩy mạnh cải cách. Điều này là cực kỳ tốt trong thời điểm bước ngoặt trong tăng trưởng của Việt Nam. Tác động tích cực của những cải cách trước đây đã chững lại và dần mất đà. Việt Nam cần một nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều hơn vào sáng tạo, năng suất, chất lượng, chứ không phải chỉ tăng trưởng nhờ bơm vốn, tăng lao động, tức là chỉ tăng thuần túy đầu vào. Thứ hai, dù cũng có nhiều việc có thể cách ứng xử còn chậm trễ, chưa hoàn hảo, nhưng Chính phủ đã xử lý những vụ việc cụ thể, như vụ quán cà phê Xin Chào, thảm họa Formosa... rồi đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19, bắt tay triển khai Nghị quyết 35. Chính hai cái này bước đầu mang lại niềm tin cho thị trường, khơi dậy mạnh mẽ thêm tinh thần khởi nghiệp kinh doanh.
PV: Cái mà ông gọi là sinh khí đó có được thể hiện một cách rõ ràng không hay mới chỉ là cảm nhận?
TS Võ Trí Thành: Có con số; tất nhiên, còn nhiều tranh cãi và đi sâu vào đó còn nhiều vấn đề; nhưng 110.000 DN thành lập mới, lớn nhất từ trước đến nay, thì cũng phần nào phản ảnh điều này. Dấu hiệu tích cực là có, nhưng để thực sự là một chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động thì còn phải nỗ lực rất nhiều.
Bản thân bộ máy, cung cách hành chính, năng lực hoạch định, thực thi chính sách còn khoảng cách để đạt tới một Chính phủ như kỳ vọng. Chính phủ mới tất nhiên cần thời gian để nhìn nhận, lắng nghe, nắm bắt, để học hỏi, thích nghi... nhưng thị trường, công chúng vẫn muốn nhìn cái “xắn tay áo” ấy vào những việc lớn có tính đột phá. Điều đó còn ở phía trước.
PV: Ông có đề cập đến việc năm nay có thể phải tăng giá điện – việc có thể gây tác động rất lớn, cả đến các chỉ tiêu kinh tế và tâm lý người dân và mỗi lần điều chỉnh đều rất ồn ào. Có những dấu hiệu nào rõ ràng về việc đó chưa?
TS Võ Trí Thành: Có thể năm nay sẽ phải làm, vấn đề là thời điểm. Tăng giá hay không nó gắn với câu chuyện điều hành, lạm phát, gắn với việc hỗ trợ hộ gia đình khó khăn, nhưng lớn hơn nữa là câu chuyện cải tổ ngành điện trong bối cảnh công nghệ thay đổi hết sức nhanh chóng. Cách nhìn nhận thị trường điện bây giờ cũng thay đổi.
Trước kia điện được coi là không thương mại được, không xuất nhập khẩu. Bây giờ cách nhìn rộng hơn, không còn bó hẹp trong một quốc gia. Cách ứng xử của người tiêu dùng cũng khác, sống xanh, sản xuất xanh.
Bài toán này lớn hơn chuyện tăng giá, thực chất là cải tổ, đáp ứng cơ chế mới, cung cách mới. Việc mỗi lần điều chỉnh có rất nhiều dư luận trái chiều càng cho thấy cái nhìn về sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy. Càng ồn ào càng chứng tỏ người ta chưa có lòng tin, tương tác của anh với thị trường chưa tốt. Anh đừng hi vọng thời đại bây giờ anh có được sự ủng hộ của tất cả. Vấn đề ở đây là vì cái chung, giải trình, minh bạch, thái độ rất rõ và dám làm, dám chịu trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông!