Cảnh báo môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm ở vịnh Xuân Đài

Thứ Ba, 14/04/2020, 06:40
Ngày 13/4, ông Ngô Xuân Lai - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan này vừa có thông báo kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước tại vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu với nhiều dấu hiệu bất thường.


Theo đó, mẫu nước ở vùng nuôi tôm hùm thôn Dân Phú, xã Xuân Phương và khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên nằm trong vịnh Xuân Đài có màu nâu nhạt, chỉ tiêu khí độc tầng đáy vượt giới hạn cho phép; mẫu nước tầng giữa và tầng đáy vùng nuôi tôm khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên có màu nâu đậm chuyển dần sang đỏ, khí độc vượt giới hạn cho phép, hàm lượng…
Người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài cần thực hiện khuyến cáo của Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên để phòng tránh sự cố rủi ro tái diễn.

Nguyên nhân khiến cho vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu có nhiều dấu hiệu bất thường là do thức ăn dư thừa thải ra môi trường gây ô nhiễm tầng đáy, một số vùng nước không lưu thông; thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện tượng tảo nở hoa gây ra nhiều bất lợi...

Cùng với việc cảnh báo những dấu hiệu bất thường, Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên đã khuyến cáo người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Được biết người nuôi tôm hùm ở Phú Yên đang thả nuôi hơn 118.000 lồng, tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu. Nghề nuôi tôm cá không chỉ là tiềm năng, mũi nhọn kinh tế của thị xã Sông Cầu, trong đó vịnh Xuân Đài được ví như “thủ phủ” tôm hùm của Phú Yên và cũng là nơi sinh kế của hàng trăm ngàn người dân địa phương.

Nghề nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu đã góp phần đổi mới đời sống kinh tế của hàng ngàn gia đình, trong đó có không ít người trở thành tỷ phú, nhưng cũng đã có sự cố rủi ro xảy ra khi tôm chết hàng loạt khiến cho nhiều người điêu đứng, nợ vay chồng chất. Sự cố gần đây nhất giữa năm 2017 có hơn 1,6 triệu con tôm hùm các loại đã chết, tổng giá trị thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.

Khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Hải dương học, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT Phú Yên vào cuộc kiểm tra, quan trắc môi trường, thu thập mẫu bệnh phẩm, nguồn nước để kiểm nghiệm đã xác định nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do chất lượng môi trường nước ô nhiễm, hàm lượng hữu cơ cao hơn mức cho phép, mật độ lồng bè dày, lồng đặt sát đáy, nắng nóng kéo dài khiến cho nhiệt độ nước tăng cao dẫn đến quá trình phân rã và khoáng hóa mạnh.

Mặt khác, chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa trong quá trình cho tôm ăn tích tụ nền đáy dẫn đến hiện tượng phì dưỡng, vi khuẩn vibrio trong môi trường ở nơi xảy ra sự cố tăng cao… gây nên hiện tượng thiếu oxy tầng đáy. Vì thế người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài cần thực thi khuyến cáo của ngành chức năng để phòng tránh sự cố rủi ro tái diễn.

Hữu Toàn
.
.
.