Cần xem xét kỹ hiệu quả dự án BOT chuyên dụng tại Đồng Nai!

Thứ Năm, 28/09/2017, 08:30
Những ngày qua, 5 doanh nghiệp (DN) khai thác đá ở khu vực cụm mỏ đá Tân Cang (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp tục phản ứng gay gắt việc cho phép đầu tư tuyến đường chuyên dụng này theo hình thức BOT bởi lý do không có đường vận chuyển vật liệu. 

DN khai thác đá không hề được biết gì về dự án BOT này; mức phí và thời gian thu chưa hợp lý… Sau một loạt các cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN), kết cục vấn đề này vẫn chưa sáng tỏ.

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai cho biết, ngày 8-9, dù tuyến đường chuyên dụng chưa đầu tư xong, chưa đến ngày thông xe kỹ thuật nhưng các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã cho cắm biển cấm phương tiện trên 2 tấn lưu thông từ các hướng QL51 vào đường Chu Mạnh Trinh; cấm từ hướng đường Võ Nguyên Giáp vào đường cống Lở và từ đường Võ Nguyên Giáp vào đường Chu Mạnh Trinh. 

Việc cắm biển cấm này đã khiến cho hoạt động các DN khai thác vật liệu gần như tê liệt do không có đường vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD). Việc cắm biển cấm xe này cũng đã khiến người dân tập trung dùng vật cản để ngăn không cho xe chở đá lưu thông vào các tuyến đường dân sinh gây nên phản ứng của người dân vì họ lo ngại làm đường bị hư hỏng.

Ngày 15-9 vừa qua, tuyến đường chuyên dùng BOT phục vụ vận chuyển đá tại xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP Biên Hòa được hoàn thành, thông xe kỹ thuật.

Người dân dùng vật cản chặn xe chở đá chạy vào đường dân sinh gây hư hại.

Nhưng tuyến này chỉ kéo dài bằng hơn 2/3 tổng chiều dài toàn tuyến đấu nối ra QL51, bề mặt đường hẹp, 2 làn xe tránh nhau rất khó khăn, lại chưa hoàn thành đấu nối giao thông ra đường Võ Nguyên Giáp khiến 5 mỏ đá ở khu vực Tân Cang vẫn không có lối ra.

Phản ánh đến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về dự án tuyến BOT chuyên dụng này, đại diện 5 DN khai thác đá ở đây cho biết, cách đây hơn 10 năm đã có 8 DN ở khu quy hoạch khai thác VLXD thuộc cụm mỏ đá Tân Cang thống nhất đề xuất chính quyền địa phương cùng các sở, ngành tỉnh Đồng Nai cho phép cùng đóng góp kinh phí để lập dự án xây dựng đường chuyên dùng vận chuyển VLXD. 

Tuyến đường này sẽ tách biệt hẳn với đường giao thông dân sinh, không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và an toàn giao thông của nhân dân xã Phước Tân, huyện Long Thành. 

Đề nghị trên được cấp thẩm quyền chấp thuận và giao BQL dự án huyện Long Thành làm đại diện chủ đầu tư. Khi đó, mỗi DN đã bỏ tiền đóng góp 300 triệu đồng để lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và thẩm tra hồ sơ kỹ thuật tuyến đường chuyên dụng, sau đó góp vốn bồi thường, đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng để thi công.

Theo hồ sơ thiết kế, tuyến chuyên dụng này có chiều dài gần 7,5km, mặt đường rộng 9,5m với 2 làn xe và làm 1 cây cầu; tốc độ thiết kế là 60km/h; tổng mức đầu tư hơn  85,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các DN khai thác đá ở cụm mỏ Tân Cang mòn mỏi chờ triển khai làm đường hết năm này sang năm khác. 

Đùng một cái, đến năm 2015 vừa qua, HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh làm Chủ nhiệm được cấp giấy chứng nhận đầu tư làm con đường này. Khi đó, giá trị làm đường đã bị đẩy lên đến trên 130 tỷ đồng. Và dù là làm đường chuyên dụng phục vụ các DN khai thác đá, thì các DN đã nộp tiền để thiết kế tuyến đường cũng không hề được mời họp để lấy ý kiến. 

Từ đó, các DN đã kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ vì sao lại có việc thay đổi đơn vị đầu tư mà không lấy ý kiến của các chủ mỏ đá.

Chưa dừng lại ở đây, đại diện các DN khai thác đá còn cho rằng, đầu tư tuyến đường chuyên dùng này để phục vụ cho việc hoạt động của các mỏ đá nên thời điểm thu phí, mức phí bao nhiêu, thời hạn thu phí bao nhiêu năm cũng cần phải được thông qua các DN khai thác mỏ. Nhưng đến thời điểm này, DN hoàn toàn không biết gì về những vấn đề nêu trên. 

Từ trữ lượng đã được cấp phép khai thác, chế biến đá xây dựng hàng năm ở cụm mỏ Tân Cang, các DN khai thác tính ra lượng xe lưu thông trên tuyến đường chuyên dùng này lên đến hơn 2,189 triệu lượt xe mỗi năm, chưa kể số lượng xe phục vụ cho hoạt động bốc đất tầng phủ và đá phong hóa. Con số này đem nhân với mức giá dự kiến thu của năm đầu tiên, doanh thu thu phí năm đầu sẽ đạt con số hơn 175 tỷ đồng. 

Trong khi đó, chủ đầu tư tuyến đường chuyên dụng này đã được HĐND tỉnh Đồng Nai cho phép thu phí hoàn vốn trong thời gian 12 năm 4 tháng 28 ngày. 

Khoảng thời gian này đem nhân với giá phí 120 ngàn đồng/chuyến, một ngày tổng phí thu được đã lên đến 720 triệu đồng; 1 năm sẽ thu được hơn 262 tỷ đồng và tổng thời gian thu phí có thể đạt tới con số 3.269 tỷ đồng. So sánh với giấy chứng nhận đầu tư dự án được tỉnh Đồng Nai duyệt cho chủ đầu tư chỉ ở mức hơn 130 tỷ đồng, thì chủ đầu tư dự án tuyến BOT chuyên dụng này đã thu lợi hơn 3.000 tỷ đồng. 

Điều này gây thiệt hại nặng nề cho các DN khai thác đá, Nhà nước cũng không thu được và đẩy giá VLXD lên cao. Đây cũng chính là lý do khiến các DN khai thác đá đồng loạt kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho kiểm tra lại giá trị thực tế của tuyến đường chuyên dùng cũng như cách thức thu phí, thời hạn thu phí... để chấm dứt tình trạng tranh chấp gây bất ổn tình hình an ninh trật tự ở khu vực này.

Bảo Sơn
.
.
.