Nhức nhối nạn khai thác đất trái phép

Thứ Ba, 08/11/2016, 08:40
Tình trạng khai thác đất trái phép tại Đồng Nai tuy không mới nhưng đã kéo dài từ năm này sang năm khác và ngày càng có diễn biến phức tạp. Việc khai thác bừa bãi này đã san phẳng nhiều quả đồi, để lại nhiều hố sâu hun hút.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, cho đến nay, số đất mà các đối tượng khai thác đã lên con số hàng triệu khối, hiện trường khai thác là những quả đồi hoang hóa quá nửa, những hố sâu hun hút không những mất mỹ quan mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân quanh khu vực khai thác.

Tình trạng khai thác đất trái phép tại Đồng Nai tuy không mới nhưng đã kéo dài từ năm này sang năm khác và ngày càng có diễn biến phức tạp. Việc khai thác bừa bãi này đã san phẳng nhiều quả đồi, để lại nhiều hố sâu hun hút.

Ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cứ 5 phút một lần từng đoàn xe tải lại rầm rập nối đuôi nhau chở hàng chục khối đất vừa khai thác. Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp cận thì các đối tượng chỉ cho rằng là đang hoàn thổ mặt bằng của khu vực.

Tình trạng khai thác đất trái phép kéo dài khiến người dân bức xúc.

Cũng theo một số đầu nậu khai thác đất trái phép, khai thác đất trái phép vừa dễ, ít tốn kém lại thu lời cao. Mỗi xe đất như vậy có giá từ 250.000 – 300.000 đồng và đầu ra là các chủ lò gạch hay các cơ sở san lấp mặt bằng.

Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thì việc khai thác đất tại Đồng Nai là rất phức tạp nhưng do lực lượng mỏng nên việc kiểm tra và xử lý là rất khó và nhóm đối tượng khai thác đất trái phép rất manh động. Khi Phòng TN-MT huyện có lịch đi kiểm tra thì ngay lập tức tại các điểm khai thác đất trái phép đã nhanh chóng nhận được thông tin, bỏ chạy hết, chỉ để lại phương tiện. 

Theo ông Nguyễn Cảnh Tiến, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định ban hành quy định đối với việc san lấp các mỏ đất dùng làm vật liệu phải có giấy phép thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác đến một độ cao nào đó. Việc thực hiện này rất tốt. 

Tuy nhiên, trên địa bàn Đồng Nai hiện nay việc làm hạ tầng của các con đường, đặc biệt là đường cao tốc ở TP Hồ Chí Minh đi Long Thành, Dầu Giây lại khiến cho tình trạng khai thác đất nóng, nóng nhất là ở Long Thành, Cẩm Mỹ, Long Khánh. 

Riêng ở Cẩm Mỹ, trong đó có Xóm Nhạn, chỉ trong vòng 1 tháng, các cơ sở khai thác đất trái phép đã khai thác 2 héc ta, ngoài tầm kiểm soát của huyện. Đoàn vào kiểm tra mỏ đất vật liệu của xóm Nhạn thì các việc khai thác này không có giấy phép, để lại hố rất sâu.

Để ngăn chặn và kịp thời xử lý tình trạng khai thác đất trái phép, thời gian tới, đối với huyện sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh giao cho Công an huyện chủ trì phối hợp với Phòng TN-MT huyện và địa phương để nhanh chóng xử lý. 

Theo ông Tiến, việc căn cơ  phải quán triệt người dân từ ấp tới xã để không liên kết với các doanh nghiệp bán đất, làm phá vỡ quy hoạch, môi trường cảnh quan, giao thông đi lại cũng bị ảnh hưởng. 

Thời gian qua, ở Đồng Nai xảy ra tình trạng phần nhiều là các hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, liên kết với chủ thi công các công trình móc đất đồi để bán cho các đơn vị thi công. 

Năm 2016, Sở và các địa phương đã xử phạt rất nhiều trường hợp (riêng huyện Trảng Bom xử phạt 45 trường hợp vi phạm, thu về trên 400 triệu đồng). 

Mảng tài nguyên khoáng sản lực lượng mỏng, hiện nay việc quản lý khai thác khoáng sản gặp khó khăn bởi lẽ ở địa bàn của một xã chỉ có duy nhất 1 cán bộ địa chính nhưng lại kiêm nhiệm quá nhiều việc nên Sở TN-MT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, ban hành quy chế phối hợp giao chủ tịch UBND xã quản lý và xử lý kịp thời tài nguyên, khoáng sản đối với từng địa phương. 

Đối với trường hợp xã Tam Phước, khi phóng viên hỏi có hay không tình trạng bảo kê vì đây không phải là lần đầu tiên, ông Tiến trả lời sẽ nhanh chóng nắm lại thông tin liệu có hay không tình trạng bảo kê của vấn nạn trên. Ông Tiến cho rằng chưa tìm ra được nhưng trong Chỉ thị 23 của UBND tỉnh ban hành có đề cập trách nhiệm người đứng đầu quản lý để tình trạng xử lý khai thác kéo dài, có tình trạng “bảo kê” tiếp tay thì trước hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Công an phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có trên 31 khu công nghiệp. Vì vậy nguồn đất đai, đá, vật liệu xây dựng thông thường là rất cần thiết và khối lượng lớn. 

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 52 mỏ, trong đó có 7 mỏ do Bộ TN-MT cấp phép, 45 mỏ do UBND tỉnh cấp phép, mỏ đá xây dựng thông thường 35 mỏ, sét gạch ngói cát xây dựng là 6 mỏ, nước khoáng 1 mỏ... Diện tích hoạt động khai thác là 1.829 hecta, trữ lượng cấp giấy phép là 465.760m³.. 

Khi tiếp quản về phòng khoáng sản năm 2012, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án hoàn thổ - đóng cửa mỏ đá Đồng Tân, An Phú, Hiệp Phong ở TP Biên Hòa... 

Sau 4 năm nhà đầu tư thực hiện đề án cải tạo phục hồi môi trường, hiện cơ bản đóng cửa mỏ được Đồng Tân, An Phú. Riêng Hiệp Phong xảy ra sự cố, có 1 bờ đê chắn để bảo vệ nhưng bị đào bới.

Hải Âu
.
.
.