Đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine, tạo cơ sở đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường

Thứ Ba, 27/07/2021, 08:48
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế trong đó là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, đời sống người dân bị tác động nặng nề. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. 


Những tháng cuối năm để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục lại sản xuất, cần có sự chung tay của cả nước cùng với rất nhiều chính sách khác cùng đồng hành một cách linh hoạt.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng âm 3,5% của năm 2020; các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 4,7%; trong đó Mỹ âm 3,5%, khu vực châu Âu âm 6,6%, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng âm 1,7%. 

Sau khi khống chế bước đầu đại dịch và tùy vào thực tế nội lực của nền kinh tế, Chính phủ các nước đã thực hiện nhiều giải pháp kinh tế mạnh, với quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế như: Nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân... 

Các giải pháp này đã làm tăng tổng cầu, chấp nhận đánh đổi lạm phát vượt mục tiêu để tăng trưởng kinh tế. Mới đây, để khôi phục nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch COVID-19, ngày 28/6/2021, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói các biện pháp trị giá gần 85 tỷ USD dành cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó, tập trung vào lĩnh vực y tế, doanh nghiệp và du lịch. Ấn Độ đã nâng trần giới hạn của 

Chương trình bảo lãnh tín dụng khẩn cấp thêm 50%, từ 40,4 tỷ USD trước đó lên 60,6 tỷ USD để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản. Ngoài ra, triển khai Chương trình bảo lãnh tín dụng để cung cấp các khoản vay cho những người vay quy mô nhỏ thông qua các tổ chức tài chính vi mô…

Từ những câu chuyện của Mỹ, EU hay Ấn Độ cho thấy, nền kinh tế có ngưỡng lạm phát theo nghĩa khi lạm phát cao hơn ngưỡng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại khi lạm phát thấp hơn ngưỡng không kích thích tăng trưởng. 

Lạm phát thấp là yếu tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng bền vững, nhưng không phải là yếu tố kích thích tăng trưởng cao trong dài hạn, ngược lại lạm phát cao không phù hợp với tăng trưởng bền vững. Đối với các nước phát triển, ngưỡng lạm phát ở mức từ 2-3% và các nền kinh tế đang phát triển ngưỡng lạm phát ở mức từ 4-7%.

Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát bình quân tăng 3,15%/năm, thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,99%/năm và nếu loại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng GDP đạt 6,78%/ năm. 

Điều này có thể thấy trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đặt lạm phát mục tiêu 4% là phù hợp; giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức khá trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định, thương mại toàn cầu và các chuỗi liên kết kinh tế không đứt gãy. 

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2,91%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 7,08 % và 7,02% của năm 2018 và năm 2019.

“Để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch và thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm từ 6,5- 7%, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, mở rộng; chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng lạm phát cho phép. Theo tôi, đây là điều cần thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đánh đổi lạm phát mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch,” TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Liên minh châu Âu cho rằng, lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên lạm phát gia tăng trên thế giới năm 2021 có thể ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. 

Do vậy, để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho nhân dân để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, du lịch trong nước và quốc tế. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng thúc đẩy tăng trưởng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tổng cầu suy giảm, thị trường lao động chưa phục hồi, nền kinh tế chưa tận dụng hết tiềm năng trong khi chỉ số CPI còn ở mức thấp. 

Do vậy, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng; tiếp tục thực hiện việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các kênh đầu tư như: Ngoại tệ, vàng, bất động sản… để kiểm soát rủi ro, loại trừ nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh đó, ngành du lịch khẩn trương xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, kích cầu khu vực du lịch dịch vụ để có giải pháp cụ thể hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Lưu Hiệp
.
.
.