Xuất khẩu lao động chờ cú huých vaccine

Thứ Hai, 26/07/2021, 10:15
Liên tiếp các làn sóng dịch trong nước diễn ra từ đầu năm, cùng với việc các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu lao động thời gian qua gần như “đóng băng”.

Với mục tiêu trong năm 2021, ngành sẽ đưa được 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với trạng thái bình thường mới trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, với những diễn biến mới nhất về dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu được cho là còn nhiều “chông gai”.

Hơn 40 nghìn lao động chưa thể xuất cảnh

Dù đã xin được tư cách lưu trú thế nhưng suốt từ đầu năm 2021 đến nay, anh Trần Việt Anh (26 tuổi, Mỹ Lộc, Nam Định) vẫn chưa thể xuất cảnh sang Nhật Bản đi làm theo hợp đồng. Anh Việt Anh cho hay, suốt cả năm 2020 miệt mài học tiếng Nhật, dịch bùng phát thì học online để có thể vượt qua được kỳ thi. Những tháng cuối năm 2020 tình hình dịch bệnh trong nước dần được khống chế, phía Nhật Bản cũng đã mở cửa cho một số lao động được nhập cảnh là tín hiệu mở ra hy vọng có thể sẽ sớm được xuất cảnh theo kế hoạch của anh Việt Anh.

“Lịch xuất cảnh theo kế hoạch của tôi là vào tháng 2/2021. Thế nhưng đúng vào thời gian này làn sóng dịch lần thứ 3 trong nước lại xuất hiện, trong lúc đó tình hình dịch bệnh bên phía Nhật Bản cũng phức tạp và họ thông báo tạm dừng nhập cảnh người lao động nước ngoài, vì thế lịch xuất cảnh đã phải hủy bỏ. Tình hình dịch COVID-19 từ đó đến nay luôn diễn biến phức tạp, thậm chí hiện nay càng lúc càng khó khăn hơn nên chưa biết bao giờ mới có thể xuất cảnh được. Không đi được thì ở nhà cả gia đình cùng sốt ruột vì số tiền hơn 160 triệu đồng để trả phí dịch vụ và tiền ăn học tiếng Nhật bố mẹ phải đi vay mượn người ta. Giờ chỉ mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để người lao động như chúng tôi đỡ khổ”, anh Trần Việt Anh chia sẻ. 

Trần Việt Anh chỉ là một trong số hàng chục nghìn lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hiện đã đủ điều kiện nhưng chưa thể xuất cảnh bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều lao động dù chuẩn bị xong nhưng chưa thể sang nước ngoài làm việc bởi hầu hết các thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đang tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh trong nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến dịch COVID-19 luôn rất phức tạp, liên tục có những làn sóng dịch diễn ra. Các chính sách phòng, chống dịch cấp thiết của các tỉnh, thành phố đã hạn chế việc di chuyển của người lao động đến tập trung học tập, tham gia phỏng vấn ở các công ty phái cử. Cùng với đó, với các chính sách hạn chế tụ tập đông người, các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đã không thể diễn ra. Từ đó, khiến cho việc tiếp cận thông tin chương trình và các đơn hàng tuyển dụng từ phía các đối tác nước ngoài bị hạn chế đáng kể.

“Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Cộng thêm việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động đã khiến cho số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể xuất cảnh được. Hiện chúng ta đang có hơn 40 nghìn lao động chưa thể xuất cảnh đang trong tình trạng chờ đợi, lo lắng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Công tác tuyển chọn và đào tạo lao động của các doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (ảnh mang tính chất minh họa).

Hy vọng vào vaccine

Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, theo các doanh nghiệp trong trong lĩnh vực xuất khẩu, tình hình nguồn cung khó khăn sẽ vẫn tiếp diễn kéo dài trong năm 2021. Dự kiến, sang năm 2022, khi việc tiêm vaccine COVID-19 của các nước, bao gồm cả Việt Nam, được tiến hành đại trà, thì số lượng người lao động đăng ký đi làm việc nước ngoài mới có hy vọng hồi phục. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Hoàng Long cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 đã kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, không ít doanh nghiệp đã phải giải thể. Thời gian qua, không chỉ việc chọn lao động, đào tạo trong nước gặp khó khăn mà lao động hoàn thiện hồ sơ xong cũng không thể xuất cảnh do chính sách của nước tiếp nhận.

“Thời điểm cuối năm 2020, do Việt Nam kiếm soát tốt dịch COVID-19 nên một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan đã mở cửa tiếp nhận lại một số ít lao động Việt Nam. Song đợt dịch bùng phát này, các đối tác chuyển sang lựa chọn lao động ở các nước tăng tốc tiêm vaccine nên Việt Nam dần mất đi lợi thế. Rất nhiều lao động đã xong hồ sơ nhưng vì các thị trường vẫn đóng cửa nên lao động chưa thể xuất cảnh. Thời gian tới, khi mở cửa trở lại, phía Nhật có thể sẽ đưa vấn đề “hộ chiếu vaccine” vào chính sách nhập cảnh. Trong trường hợp lao động Việt Nam sớm được tiêm vaccine, thì cơ hội mới có thể mở ra được. Do đó, không chỉ doanh nghiệp chúng tôi và hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang mong ngóng từng ngày cú hích từ vaccine này”, ông Hưng cho biết.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, trước những khó khăn của các doanh nghiệp tham gia phái cử lao động hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp căn cứ tình hình cụ thể tại doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ phù hợp trong trường hợp có nhu cầu.

“Bao giờ hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc có thể phục hồi rất khó để dự báo bởi không chỉ những khó khăn trong nước mà còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, mặc dù nằm trong các nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên tiêm vaccine, nhưng do diễn biến dịch phức tạp, việc phân bổ tiêm vaccine cho các đối tượng nào, ra sao là do các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Khi có thể xuất cảnh trở lại, các doanh nghiệp và người lao động muốn được tiêm vaccine để đáp ứng hợp đồng nên đề xuất với CDC các địa phương để được ưu tiên giải quyết”, bà Hà cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.