Cần có giải pháp bền vững cho nghề nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài
- Hỗ trợ người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên
- Phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm ở duyên hải miền Trung
- Mất trộm cả bè nuôi tôm hùm
Sự cố rủi ro gần đây nhất xảy ra giữa năm 2017. Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu khi đó, có hơn 1,6 triệu con tôm hùm các loại đã chết, tổng giá trị thiệt hại hơn 700 tỷ đồng; hàng trăm gia đình lâm cảnh lao đao khi phải đối mặt với nhiều khoản nợ vay.
Sau khi xảy ra sự cố, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Hải dương học, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT Phú Yên đã vào cuộc kiểm tra, quan trắc môi trường, thu thập mẫu bệnh phẩm, nguồn nước để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm sau đó cho biết nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do chất lượng môi trường nước ô nhiễm, hàm lượng hữu cơ cao hơn mức cho phép, mật độ lồng bè dày, lồng đặt sát đáy, nắng nóng kéo dài khiến cho nhiệt độ nước tăng cao, dẫn đến quá trình phân rã và khoáng hóa mạnh.
Mặt khác, chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa trong quá trình cho tôm ăn tích tụ nền đáy dẫn đến hiện tượng phì dưỡng, vi khuẩn vibrio trong môi trường ở nơi xảy ra sự cố tăng cao… gây nên hiện tượng thiếu oxy tầng đáy khiến cho tôm hùm chết hàng loạt.
Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo UBND thị xã Sông Cầu cùng các cơ quan chức trách triển khai các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa dịch bệnh tôm, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm môi trường ở vịnh Xuân Đài nhưng hiện trạng lồng bè tôm, cá ở đây vẫn gia tăng tự phát về số lượng.
Tiếp chuyện PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở xã Xuân Phương bày tỏ suy nghĩ: “Sinh sống ở vùng đầm vịnh, nếu không mưu sinh bằng nghề nuôi tôm, cá thì biết làm gì để kiếm cơm nuôi thân và chăm lo cho con học tập”.
Theo lời người dân, sau thất bại nặng nề năm trước, nhiều người gạt nước mắt, gượng dậy tiếp tục vay vốn để đầu tư thả nuôi tôm hùm, dù chưa biết trước sự cố rủi ro có tái diễn hay không.
Lồng bè nuôi tôm tự phát tràn lan ở vịnh Xuân Đài. |
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi trên con đường uốn lượn hơn 5km ven bờ phía Bắc vịnh Xuân Đài. Nhìn ra ngoài vịnh là những lồng bè thả nuôi tôm, cá chen ngang, chắn dọc với mật độ dày nhưng không phân định trật tự. Người dân kể, hàng chục năm qua, UBND thị xã Sông Cầu cũng chưa thực hiện được việc giao đất, cho thuê đất mặt nước nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật đất đai.
Theo quy hoạch tổng thể, diện tích nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài là 747ha mặt nước, bình quân mỗi hécta 30 lồng nuôi với tổng số 22.500 lồng. Thế nhưng, kết quả khảo sát của Sở NN&PTNT Phú Yên trong tháng 3-2018 cho thấy, số lượng lồng tôm ở vịnh Xuân Đài đã tăng lên hơn 83.000 lồng. Đơn cử như vùng nuôi tôm ở phường Xuân Yên chỉ được phép thả nuôi 6.301 lồng, nhưng thực tế đã có tới 15.222 lồng.
Theo đó, mỗi ngày có hàng ngàn tấn thức ăn tươi là cá, ốc, cua, ghẹ… trút xuống lồng bè tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, trong khi khối lượng lớn chất thải thu dọn được sau khi cho tôm ăn đều ném hết xuống đáy vịnh khiến cho môi trường nước không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, mà còn sản sinh vi khuẩn vibrio đe dọa đời sống tôm hùm cùng nhiều loại thủy sản tự nhiên khác.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu thủy sản, quan trắc môi trường cho rằng, để bảo đảm tính bền vững lâu dài, UBND thị xã Sông Cầu cần có biện pháp kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh thêm lồng bè trên vịnh Xuân Đài.
Chính quyền cần sớm rà soát, xác lập lộ trình giải tỏa để giảm thiểu mật độ lồng bè thả nuôi tôm, cá; quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản tại cơ sở pháp lý phân vùng giao đất, cho thuê đất mặt nước ổn định theo quy định pháp luật và thường xuyên phối hợp cơ quan chuyên trách thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nước, tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người nuôi tôm hùm.